(SGGP). – Sau 2 ngày làm việc, ngày 21- 4, Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động năm 2011, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã bế mạc.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị báo chí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, đến với đông đảo quần chúng nhân dân, qua đó cùng toàn Đảng, toàn dân đồng tâm hợp lực thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí cần kịp thời biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, phong trào mới; đồng thời tích cực đấu tranh chống tiêu cực, quan điểm, luận điệu sai trái của thế lực thù địch, bảo vệ toàn vẹn độc lập chủ quyền. Báo chí cần phản ánh sinh động đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, song hành với thông tin đối ngoại để nâng tầm vị thế đất nước trên trường quốc tế.
* Ngày 21-4, Bộ TT-TT, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc tại Thừa Thiên – Huế. Thực trạng mất dần chỗ đứng, thiếu kinh phí hoạt động làm cho báo chí văn nghệ đang đối mặt khó khăn được các đại biểu tập trung mổ xẻ.
Đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, hiện cả nước có hơn 80 báo, tạp chí chuyên về văn học, nghệ thuật. Đại bộ phận sáng tác văn học đăng tải trên báo, tạp chí những năm qua có nội dung lành mạnh; phản ánh cuộc sống đổi thay ở các vùng đất, đi sâu vào phản ánh tâm trạng con người trước những biến động đời sống xã hội. Song khuynh hướng thương mại hóa, câu khách, giật gân thông qua một số bài viết trên báo chí văn nghệ, trong các chương trình ca, múa nhạc của một số đài truyền hình chưa được ngăn chặn, gây phản ứng không tốt đối với độc giả.
Với 15 tham luận trình bày tại hội nghị, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra sự yếu kém và nguy cơ biến mất báo chí văn nghệ. Các đại biểu cho rằng văn hóa đọc ngày càng bị thu hẹp nhất là đọc văn hóa nghệ thuật. Báo điện tử và hàng loạt trang mạng xã hội ra đời không chỉ giành thị phần báo viết nói chung mà còn lấn đất các sáng tác văn học nghệ thuật… Bạn đọc ít, số lượng in sụt giảm, phải giảm kỳ xuất bản, nhuận bút thấp, lương người làm báo không đủ sống… Tất cả những nguyên nhân rất thời sự ấy khiến người làm báo văn nghệ không chuyên tâm làm nghề, cộng tác viên cũng không dành bài tốt, bài chất lượng cao cho chính những tờ báo văn nghệ mà in ở những tờ báo chuyên ngành không phải văn học nghệ thuật vì nhuận bút cao. Ngoài ra, tính chuyên nghiệp những người làm báo giỏi chuyên mục văn nghệ không nhiều, không tạo được “sự kiện hot”, truyền thông văn nghệ giải trí bắt đầu lấn át văn hóa chính thống.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương đã nêu một số tồn tại và xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến của báo chí văn nghệ: Khá nhiều tờ báo và tạp chí văn nghệ còn chạy theo xu hướng số lượng chưa tương xứng với chất lượng; chưa thực sự coi trọng công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Để xảy ra tình trạng lệch chuẩn trong việc tuyên truyền như khen chê tùy tiện, thiếu cân nhắc khi giới thiệu những tác phẩm có nội dung nhạy cảm… Báo chí văn nghệ trong thời gian đến cần tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ khối báo chí, tạp chí văn nghệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Tăng cường những bài viết, tác phẩm nghiên cứu, tuyên truyền về đạo đức Hồ Chí Minh. Đấu tranh chống những quan điểm lệch lạc sai trái về Đảng và Bác Hồ trong sáng tác và trong phê bình văn học nghệ thuật. Rà soát, sắp xếp lại hệ thống báo chí để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của đất nước ta, trong đó cần có những hội thảo chuyên sâu về báo chí văn nghệ. Đa dạng hóa công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ làm công tác báo chí văn nghệ. Phải cụ thể hóa cơ chế chính sách mang tính đặc thù để các báo, đài văn nghệ vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển, xây dựng mô hình tạp chí văn nghệ địa phương...
V.THẮNG - TR.LƯU