Theo Bộ Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2007 tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản khoảng 1,8 triệu tấn, đạt 49% kế hoạch năm; tăng 109% so cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD, đạt hơn 45%; tăng 116% so cùng kỳ.
Đi đôi với việc này, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư xây mới nhà máy, mở rộng qui mô sản xuất. Đã có thêm 18 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực này lên 245. Tại ĐBSCL, phong trào nuôi cá tra, ba sa tăng “nóng” về diện tích.
Sản lượng cá 6 tháng qua đạt khoảng 400.000 tấn, tăng 100% so cùng kỳ năm ngoái. Số nhà máy chế biến cá tra, ba sa đã tăng lên 70 nhà máy, công suất 1,5 triệu tấn/năm. Ngành thủy sản duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên cũng đang xuất hiện nhiều rủi ro: Ô nhiễm môi trường gia tăng, quản lý không theo kịp thực tế và đặc biệt là việc sử dụng kháng sinh tràn lan, dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường xuất khẩu nếu không chấn chỉnh kịp thời.
Nhật đã lên tiếng cảnh báo hàng thủy sản Việt Nam. Tại các thị trường khác, 6 tháng qua đã có 33 lô hàng bị cảnh cáo nhiễm Chloramphenicol. Giải pháp hiệu quả nhất là doanh nghiệp chế biến mạnh dạn không mua sản phẩm của dân và thương lái nếu phát hiện bị nhiễm kháng sinh.
Tuy nhiên có trở ngại là doanh nghiệp chế biến này không mua thì doanh nghiệp chế biến khác lại mua, không đồng lòng nên khó ngăn chặn! Hiện tại, nhiều nhà máy thủy sản mở ra nhưng ngành chức năng chưa qui định tiêu chuẩn thế nào mới được xây nhà máy. Nhà máy không đạt tiêu chuẩn thì việc chế biến cũng không đạt, sẽ gây ảnh hưởng chung cho toàn ngành nếu sản phẩm không đạt chất lượng.
Trước tình hình trên, Bộ Thủy sản cho biết tới đây, ngoài việc kiểm tra chặt chẽ các lô hàng, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị cấm xuất khẩu 3- 6 tháng. Bộ kêu gọi cả cộng đồng cùng vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao.
Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường, ngành thương mại, công an… giúp sức kiểm soát việc xuất nhập khẩu và lưu hành các chất cấm. Nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ, thủy sản Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất thị trường và khó đạt chỉ tiêu xuất 3,6 tỷ USD trong năm nay.
ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH