Nguy hiểm cận kề

Ngày 27-1, cơ quan nghiên cứu khoa học của Australia cảnh báo nước này đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng hơn 5°C vào cuối thế kỷ này - mức tăng nhanh hơn tất cả các nơi khác trên thế giới.

Ngày 27-1, cơ quan nghiên cứu khoa học của Australia cảnh báo nước này đối mặt với nguy cơ nhiệt độ tăng hơn 5°C vào cuối thế kỷ này - mức tăng nhanh hơn tất cả các nơi khác trên thế giới.

Trong bản phân tích toàn diện nhất từ trước đến nay về các tác động của biến đổi khí hậu đối với Australia, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đưa ra khả năng xấu nhất, theo đó đến năm 2090, nhiệt độ tại Australia sẽ tăng 5,1°C nếu không có các hành động cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà khoa học chính của CSIRO Kevin Hennessy khẳng định: “Các ngày nóng sẽ xuất hiện thường xuyên hơn và nóng hơn, mực nước biển sẽ cao hơn, các đại dương bị axít hóa nhiều hơn và tuyết rơi ít hơn”. Nghiên cứu của CSIRO sử dụng những dự báo trong khoảng 40 kịch bản về khí hậu toàn cầu, theo đó mức tăng 5,1°C vào năm 2090 là mức dự báo cao nhất, tính từ mức bắt đầu 2,8°C, tùy thuộc vào nỗ lực cắt giảm khí thải. CSIRO nhận định nhiệt độ trung bình hàng năm tại Australia vào năm 2030 có thể cao hơn 1,3°C so với nhiệt độ trung bình từ năm 1986 - 2005.

Trong khi đó, bên kia bờ Đại Tây Dương, trận bão tuyết khủng khiếp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho hơn 50 triệu người sinh sống khắp các bang dọc bờ Đông Bắc nước Mỹ, hơn 8.700 chuyến bay đã bị hủy hoặc hoãn. Các bang New York, New Jersey, Connecticut, Rhode Island, Massachusetts và New Hampshire, các thành phố New York, Philadelphia đều phải ban bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu phong tỏa các tuyến đường quốc lộ, những hệ thống vận tải lớn. Bang Connecticut thậm chí đã ban bố lệnh cấm đi lại trên toàn bang.

Các cư dân vùng ven biển được cảnh báo nguy cơ xảy ra lụt và hiện tượng xói mòn bãi biển đặc biệt tại bang New Jersey và Cape Cod của Massachusetts. Bão tuyết cũng buộc Hạ viện Mỹ phải hủy bỏ các cuộc bỏ phiếu tối 26-1 do nhiều nhà lập pháp không kịp quay trở lại Washington. Tại Trung Quốc, 7 tỉnh miền đông nước này cũng chìm trong tuyết trắng, theo Cơ quan khí tượng trung ương Trung Quốc, đây là đợt tuyết rơi kéo dài bất thường trong nhiều năm qua.

Một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng thế giới vừa phát đi thông điệp mang tính cấp bách cảnh báo biến đổi khí hậu đang đặt nhân loại đứng trước mối đe dọa ngày càng lớn.

Bà Kennette Benedict, Giám đốc điều hành tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists (Bản tin Khoa học nguyên tử - BAS) thuộc Đại học Chicago, Mỹ cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu hiện được đặt ngang hàng với hiểm họa hạt nhân cho thấy tình hình rất nguy cấp. Tuy nhiên, các nước, khu vực xả nhiều khí khải nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc… vẫn lừng khừng trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các nhà lãnh đạo thế giới chẳng những không hành động kịp thời và đủ mạnh để bảo vệ người dân trước các hiểm họa tiềm tàng, mà còn bãi bỏ thuế khí thải carbon và giải thể Ủy ban Khí hậu độc lập như trường hợp mới nhất của Australia.

Thời tiết khắc nghiệt và bất thường đang diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, tình trạng biến đổi khí hậu không kiểm soát được đã đẩy thế giới đối mặt với những đe dọa mới, nếu mỗi người không tự tìm cách thay đổi thói quen sử dụng nhiên liệu, mỗi chính phủ không hành động ngay để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch, thì cơ hội để thực hiện những việc đó đang ngày càng ít đi, ngắn dần và khép lại hoàn toàn.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục