Nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin độc đoán, gia trưởng

Thông tin liên quan:

Về vụ việc của Vinashin, Chính phủ đã gửi bản báo cáo dài 18 trang tới đại biểu Quốc hội. Đây được dự báo sẽ là “điểm nóng” tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Vay ngắn hạn trả dài hạn

Báo cáo của Chính phủ đã lược thuật lại sự hình thành của Tập đoàn Vinashin và những thành tựu đóng góp cho ngành đóng tàu Việt Nam. Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, yếu kém của Vinashin, trong đó nguyên nhân khách quan đến từ cuộc suy thoái tài chính toàn cầu. Về nguyên nhân chủ quan, Chính phủ cho rằng, vì công tác dự báo còn nhiều bất cập nên việc lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay, nhiều dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng vẫn phải trả lãi. Phần lớn dự án chỉ được bố trí chưa đến 50% tổng vốn.

“Khi tập đoàn kiến nghị được mua tàu cũ vận chuyển hành khách Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ không đồng ý và chỉ cho chủ trương thực hiện đóng mới. Việc tập đoàn mua tàu cũ (tàu Hoa Sen) là cố ý làm trái với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về đầu tư”, Chính phủ nêu rõ. Ngay khi được tin Vinashin chuẩn bị mua chiếc thứ hai, Chính phủ đã lập tức “thổi còi” tạm ngừng và kiểm điểm việc mua tàu cũ. Hàng loạt các sai phạm, yếu kém khác như tình trạng đầu tư dàn trải, cho vay và bảo lãnh các công ty liên kết vay trong khi đây là đơn vị làm ăn kém hiệu quả, không trả được nợ; để giải quyết, tập đoàn phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư... Kết quả, tập đoàn kinh doanh thua lỗ như Chính phủ đã nhiều lần công bố.

Trong báo cáo này, Chính phủ cho rằng, mô hình tập đoàn đang triển khai thí điểm, nhưng ở Vinashin trong thời gian dài (từ khi còn là tổng công ty) tập trung các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch tập đoàn, Tổng giám đốc vào một người. “Trong những năm gần đây, người này đã trở nên độc đoán, gia trưởng”, Chính phủ nhìn nhận. Trong khi đó, Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, các phó tổng giám đốc yếu kém, không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao về lãnh đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát, ngược lại còn đồng tình với những việc làm sai trái của người đứng đầu tập đoàn.

Việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ với tập đoàn còn lúng túng. Bộ GTVT chưa phát hiện kịp thời những yếu kém trong hoạt động và cố ý làm trái của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng và báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.

Kinh doanh lỗ báo cáo lãi

Chính phủ cũng thừa nhận việc lập DN, đầu tư cũng như quản lý sử dụng vốn, chọn cán bộ còn bất cập, sơ hở. Dù trong 3 năm có 11 cuộc thanh tra, kiểm toán, giám sát, nhưng lãnh đạo tập đoàn đã không nghiêm túc chấp hành. Các bộ chức năng được giao trách nhiệm đã không phát hiện được tập đoàn báo cáo không trung thực. Nhiều năm liền Vinashin báo cáo không trung thực về sử dụng vốn, về đầu tư và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2009 lỗ 1.600 tỷ đồng nhưng lại báo cáo lãi 750 tỷ đồng, quý 1 năm 2010 thua lỗ vẫn báo cáo lãi gần 100 tỷ đồng.

“Khuyết điểm này của lãnh đạo tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không phù hợp, không kịp thời”, Chính phủ nhấn mạnh.

Về trách nhiệm giám sát, theo dõi sai phạm, Chính phủ khẳng định tuy ngay từ năm 2006 khi tập đoàn đang phát triển tốt hay đến năm 2008, khi tập đoàn bộc lộ khó khăn, Thủ tướng đã thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn, tuy nhiên hậu quả tại Vinashin vẫn diễn ra. “Thường trực Chính phủ yêu cầu tập đoàn rút kinh nghiệm sâu sắc khi để rơi vào tình trạng này”, báo cáo đánh giá.

Báo cáo của Chính phủ đã đánh giá khá đầy đủ những hạn chế, yếu kém. Chính phủ khẳng định đang chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tái cơ cấu tập đoàn. Liên quan đến những sai phạm vừa qua, Chính phủ cho biết, đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm minh những người vi phạm.

“Đến 2012 sau khi tái cơ cấu, Vinashin sẽ còn khoảng 60 DN thành viên. Các DN còn lại sẽ được xử lý dưới các hình thức chuyển nhượng vốn, bán, sáp nhập, giải thể phù hợp”, Chính phủ nêu rõ.

PHAN THẢO

Thông tin liên quan:

>> Thanh tra Tập đoàn Vinashin

>> Vinashin thừa nhận quản lý kém khiến nợ chồng chất

>> Chính phủ không ưu ái Vinashin

Tin cùng chuyên mục