Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: Tư tưởng lấy dân làm gốc vẫn còn nguyên giá trị

LTS: Trong lịch sử dân tộc, có những người gắn liền cuộc đời với vận mệnh đất nước và nhân dân. Cuộc đời hoạt động của họ góp phần không nhỏ làm thay đổi thế cuộc, mở ra một cách nhìn, cách nghĩ, một cách làm với hướng đi mới. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những con người như vậy. Ở tuổi 93, Đại tướng Lê Đức Anh, người chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử duy nhất hiện còn sống, vẫn rất minh mẫn khi nói về những vấn đề thời cuộc. * Phóng viên:
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh: Tư tưởng lấy dân làm gốc vẫn còn nguyên giá trị

LTS: Trong lịch sử dân tộc, có những người gắn liền cuộc đời với vận mệnh đất nước và nhân dân. Cuộc đời hoạt động của họ góp phần không nhỏ làm thay đổi thế cuộc, mở ra một cách nhìn, cách nghĩ, một cách làm với hướng đi mới. Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong những con người như vậy. Ở tuổi 93, Đại tướng Lê Đức Anh, người chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử duy nhất hiện còn sống, vẫn rất minh mẫn khi nói về những vấn đề thời cuộc.

* Phóng viên:
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ huy của đại tướng, lúc ấy là Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch kiêm Tư lệnh cánh quân Tây - Tây Nam, quân đội ta đã sớm đánh chiếm được các mục tiêu quan trọng góp phần làm nên đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cảm xúc của đại tướng như thế nào khi nghĩ về những ngày tháng 4 lịch sử này?

* Đại tướng LÊ ĐỨC ANH:
Trong kháng chiến chống Pháp, cả nước đã huy động toàn quân, toàn dân tiến hành kháng chiến 9 năm trường kỳ mới giải phóng được một nửa đất nước. Tiếp theo, cả dân tộc dồn sức đánh Mỹ mới giải phóng được nửa đất nước còn lại và thống nhất được Tổ quốc. Như vậy, giải phóng cả nước phải mất 30 năm. Đây không phải là công lao của riêng ai hết mà của toàn dân tộc mới làm nên sự nghiệp vĩ đại này, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân tộc ta – một dân tộc nghèo nàn, lạc hậu nhưng đã kiên cường đấu tranh giành độc lập. Đó là sự thật, là chân lý!

Sau năm 1975, nhân dân ta vẫn còn phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ khi bị các nước lớn tiếp tục ký thỏa ước chống phá cách mạng Việt Nam, nên sau ngày hòa bình độc lập nhân dân ta phải chịu đựng thêm 20 năm, tức đến năm 1995 ta mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Từ đây ta mới có điều kiện xây dựng và phát triển đất nước, đạt được khát vọng hòa bình quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, đưa đất nước đi lên, thực hiện khát vọng di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Tiếc là trong xây dựng đất nước vẫn còn một bộ phận lãnh đạo cũng như nhân dân vẫn chưa thấy hết khó khăn này để cùng khắc phục đi lên.

Đại tướng Lê Đức Anh tại Trường Sa năm 1988.

Đại tướng Lê Đức Anh tại Trường Sa năm 1988.

* Gần 74 năm hoạt động cách mạng, trong đó gắn cuộc đời mình với hơn 30 năm chống Pháp, chống Mỹ, 10 năm giúp nước bạn Campuchia đánh bại bọn diệt chủng Pôn Pốt, bài học nào rút ra từ các hoạt động trên cho thế cuộc hiện nay?

* Bài học thứ nhất là không có gì quý hơn độc lập tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói. Bài học thứ hai là lấy dân làm gốc, tất cả phải do dân, vì dân.

* Vai trò của nhân dân hiện nay đã được đặt đúng với tinh thần như đại tướng nói chưa?

* Bây giờ phần lớn cán bộ hiểu được vai trò của dân nhưng có một bộ phận cán bộ khi đã lên nắm quyền thì ức hiếp dân, đặt mình cao hơn nhân dân. Điều này phải sớm khắc phục, nếu không thì không biết vấn đề gì sẽ xảy ra và chắc chắn hậu quả rất khó lường.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh là người đề xuất việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam, hàng trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở tuổi ngoài 70 đã cùng duyệt hàng quân danh dự với người đứng đầu Nhà nước Việt Nam - Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch.

* Nhìn từ cuộc chiến, đại tướng nói gì về vấn đề phát huy thế mạnh lòng dân, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước hôm nay?

* Phải trở lại lúc bắt đầu, phải lấy dân làm chủ. Hiến pháp cũng đã quy định dân chủ - nghĩa là lấy dân làm chủ nên mọi việc phải công khai, bàn bạc với dân, dân quyết và dân làm. Được như vậy bộ máy của Đảng, Nhà nước mới vững mạnh. Nói là dân chủ thì phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân.

* Là một trong số ít người trải qua từ đầu đến cuối 3 cuộc chiến, là người góp phần quan trọng vào việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, theo đại tướng, chúng ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc?

* Phải thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Để làm được điều này, cần phải phát huy sức mạnh của cả dân tộc, của từng người dân. Khi đứng trước những xung đột về lãnh thổ, chúng ta không được run sợ, nếu sợ sẽ mất nước.

* Dù tuổi đã cao nhưng đại tướng vẫn luôn quan tâm, theo dõi sát sao các vấn đề chung của đất nước, đặc biệt là những hạn chế trong công tác quản lý, lãnh đạo, điều hành các cấp và thể hiện chính kiến của mình. Vấn đề gì hiện nay khiến đại tướng cảm thấy bất ổn, tâm tư?

* Tâm tư lớn nhất hiện nay của tôi là bộ máy nhà nước còn quan liêu và quá cồng kềnh, lãng phí. Đây chính là lực cản trong sự nghiệp phát triển đất nước. Thực trạng này coi chừng trở thành gánh nặng của đất nước. Bây giờ chúng ta đang đi vay nợ để đầu tư, trong khi phải chi không ít để nuôi bộ máy cồng kềnh. Một bộ phận không nhỏ trong bộ máy cồng kềnh này đã không làm được gì cho dân.

Lúc làm Tổng Tham mưu trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã nhận thấy bộ máy của mình rất cồng kềnh. Có lần nói chuyện với anh Lê Đức Thọ (lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương), anh nói cho tôi 4 thứ trưởng. Tôi nói nếu cho tôi đến 4 phó thì bộ trưởng làm gì? Sau đó, anh nói lại cho tôi 2 thứ trưởng, tôi nói tôi chỉ cần 1 phó. Cấp trưởng phải làm tất cả các việc của bộ, cấp phó chỉ là người giúp việc cho bộ trưởng. Thời đó, quân đội được tổ chức sắp xếp lại biên chế, giảm 1 triệu quân nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu lâu dài bảo vệ Tổ quốc. Tôi xử lý vấn đề này rất dứt khoát.

Với đà phát triển hiện nay của đất nước là tốt nhưng phải khắc phục được bộ máy cồng kềnh, quan liêu, lãng phí. Vấn đề là phải đổi mới về tư duy, đổi mới cách làm. Bây giờ Chính phủ cũng đang cải cách hành chính, giảm biên chế. Điều này phải làm kiên quyết mới thành công, xóa được gánh nặng bộ máy cồng kềnh, lãng phí và không hiệu quả. Một mình Thủ tướng không thể làm được mà phải cả bộ máy, trong đó người lãnh đạo cao nhất phải làm. Nếu không kiên quyết tháo gỡ, gánh nặng này tiếp tục đè lên dân.

"Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta"

Trích phát biểu của Đại tướng Lê Đức Anh nhân chuyến làm việc ở Trường Sa ngày 7-5-1988.

VÂN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục