Tôi đang về Vũng Tàu thăm mộ mẹ, mà người ta gọi ra Giêng đi tảo mộ, thì anh em, bạn bè báo tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua đời. Duyên kỳ ngộ, tôi về viết ngay mấy dòng đưa tiễn đầu xuân một nhà văn lớn, một người anh trong nghề, một người bạn vong niên mà tôi nhớ lâu và quý mến.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một khuôn mặt dễ nhận biết và không lẫn vào đâu được. Bất cứ ai, dù già hay trẻ, ở thôn quê hay thành thị, mọi thế hệ đều biết anh. Anh gần gũi, thân tình, anh hào sảng và hài hước, anh thông minh và chân quê. Nghĩa là ở Nguyễn Quang Sáng, chúng ta bắt gặp một tâm hồn của người Nam bộ, tâm hồn của Việt Nam.
Một nhà văn sống đến 82 mùa xuân, anh cứ sáng tác, vẫn sáng tác, cứ và vẫn theo dõi tình hình văn chương nước nhà, là điều đáng quý. Cách nay 2 năm, nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Quang Trang trong buổi mừng thọ Nguyễn Quang Sáng 80 tuổi, có mời Nguyễn Quang Sáng phát biểu, anh miễn cưỡng và nói: “Tôi biết nói gì đây? Tôi đã được sống và viết trong một thời kỳ rực rỡ của dân tộc. Những gì tôi làm được là của dân tộc, của đồng bào, của quê hương”.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng quê An Giang với Bác Tôn Đức Thắng và nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ khác, như: Hoàng Hiệp, Viễn Phương, Anh Đức, Phan Nhân, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Văn Tài… Viết văn và chỉ viết văn xuôi từ năm 14 tuổi, đến cuối đời, Nguyễn Quang Sáng để lại một gia tài khổng lồ, với trên 30 tập truyện ngắn, truyện dài, kịch bản phim và các chân dung nghệ sĩ. Trong đó, có nhiều tác phẩm được dựng thành phim và gặt hái thành công vang dội. Nguyễn Quang Sáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2) năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý vinh dự khác.
Văn chương Nguyễn Quang Sáng thấm đậm chất văn hóa khẩn hoang vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Cái chất tửng tửng vui cười đi suốt cuộc đời đã vẽ nên chân dung một Nguyễn Quang Sáng như một cái gì đó đại diện cho lớp văn nghệ sĩ Nam bộ tham gia cách mạng từ Mùa Thu rồi, ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến… (lời ca khúc Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn).
Chúng tôi biết tiếng nhà văn Nguyễn Quang Sáng từ thời “Ông Năm Hạng” (Truyện ngắn được giải thưởng Báo Thống Nhất năm 1959). Chúng tôi quen biết Nguyễn Quang Sáng từ trong chiến khu kháng chiến chống Mỹ và được trò chuyện, uống rượu với Nguyễn Quang Sáng tại nhà của nhà thơ Nguyễn Duy cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, và biết Nguyễn Quang Sáng qua bà con nông dân, dân nghèo thành thị, cánh văn nghệ sĩ và cả những nhà lãnh đạo. Nguyễn Quang Sáng là bạn của tất cả mọi người. Chúng tôi biết nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua chuyện kể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Nguyễn Trung, nhà văn Lý Lan, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… Nguyễn Quang Sáng là nhà văn Việt Nam đúng nghĩa mà tôi được gặp và quen biết.
Cầm trên tay tác phẩm cuối đời của Nguyễn Quang Sáng có tựa Như một huyền thoại (năm 1995), tôi cứ nghĩ về một tên tuổi lớn, về một người anh lớn, về một chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ… mà thầm nhủ: Vâng chính anh, chính nhà văn Nguyễn Quang Sáng… Như một huyền thoại!
Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, nếu gặp nhà thơ Nguyễn Duy lúc này… chắc chắn tôi sẽ ghi lại được những câu ca hay, những câu thơ như dân ca về Nguyễn Quang Sáng. Suy cho cùng, ấy cũng là cái tình người với nhau. Và tôi viết những dòng này khóc anh. Mùa xuân vừa đến mà anh Sáng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã vội ra đi...
VŨ ÂN THY
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi
(SGGP).– Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người đã viết nên những tác phẩm văn chương đi vào lòng bạn đọc như Đất lửa (1963), Chiếc lược ngà (1966), Mùa gió chướng (năm 1975); những kịch bản phim nổi tiếng như Cánh đồng hoang (1978)… đã từ trần lúc 16 giờ 15 ngày 13-2-2014, hưởng thọ 82 tuổi.
Theo người thân trong gia đình, nhà văn ra đi nhẹ nhàng trong một giấc nghỉ trưa. Ông cũng đã chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình khi yêu cầu người thân tiến hành hỏa táng và mang tro cốt của ông về lại gia đình, để vào trong một bức tượng mà ông đã chuẩn bị trước.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, sinh ngày 12-1-1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tháng 4-1946, ông xung phong vào bộ đội, đến năm 1948 đi học văn hóa tại Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố. Năm 1950 ông về công tác tại Bộ Tư lệnh phân khu Tây Nam bộ, sau đó năm 1955 ông tập kết ra Bắc, làm cán bộ Phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam.
Năm 1958, ông chuyển về Hội Nhà văn Việt Nam, làm biên tập viên Tuần báo Văn Nghệ. Đến năm 1966, ông quay lại chiến trường miền Nam với cương vị là cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng cho đến năm 1972 thì trở ra Hà Nội, tiếp tục công tác tại Hội Nhà văn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông về lại TPHCM, làm việc tại Hội Nhà văn TPHCM với cương vị Chủ tịch hội liên tục từ khóa 1 đến khóa 3.
Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT TPHCM, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh An Giang, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Ngoài những tác phẩm đã liệt kê ở trên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với rất nhiều tác phẩm văn chương khác.
Linh cữu của ông được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM, số 25 đường Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ viếng bắt đầu lúc 10 giờ ngày 14-2, lễ truy điệu sẽ được tổ chức lúc 13 giờ ngày 16-2 và động quan lúc 13 giờ 30 cùng ngày trước khi đưa đi hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Đa Phước, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM.
TƯỜNG VY