Nguyện ước của Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân

Trong hồi ký của mình, Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân viết: “Lớp diễn viên chúng tôi thường có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên sau khi tiếp quản thủ đô, văn công lập nhiều thành tích nên được khen ngợi...
Trong hồi ký của mình, Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân viết: “Lớp diễn viên chúng tôi thường có vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên sau khi tiếp quản thủ đô, văn công lập nhiều thành tích nên được khen ngợi. Một hôm, chúng tôi được mời vào Phủ Chủ tịch. Tôi nhớ hôm đó có mặt các giọng hát hay tên tuổi: Lệ Thi, Châu Loan, Ngọc Dậu… và nhiều diễn viên múa, nhạc. Khi Bác Hồ xuất hiện, chúng tôi mừng rỡ ùa tới vây quanh. Bác thăm hỏi từng người. Các chị cảm động quá cứ khóc lây lan nhau...”.
Năm 1960, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Tài Tuệ hoàn thành bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó để dâng lên Bác nhân sinh nhật lần thứ 70 của Người. Nhạc sĩ tin yêu gửi bài hát cho hai ca sĩ thân thiết cùng ở Đoàn ca múa Trung ương là nghệ sĩ Quốc Hương và nghệ sĩ Tân Nhân. Đây cũng lại là bài hát mà đoàn phân công nghệ sĩ Tân Nhân biểu diễn.
Để thấm bài hát, một lần được Bác mời vào ăn cơm, nghệ sĩ Tân Nhân hỏi Bác: “Bác ơi, Pác Bó ngày Bác về lãnh đạo cách mạng như thế nào ạ? Bác kể cho cháu nghe với nhé!”.
Bác nói: “Cháu có dịp lên Pác Bó quan sát là hay nhất”.
Tân Nhân hăng hái: “Vâng, nhất định cháu sẽ lên Pác Bó thăm núi rừng và nơi Bác ở năm xưa một chuyến ạ! ”.
Rồi chị khẽ lẩm nhẩm câu hát mở đầu: Trông vời lưng núi /Khuổi nậm rì rào núi cao từng mây. Trầm ngâm một lúc như để tìm “phương án” giúp cô cháu gái, Bác bảo: “Bây giờ đường sá đi lại vẫn còn khó khăn lắm. Bác mới lên thăm bà con trên ấy... Tới đây có dịp trở lại thăm Cao Bằng, thăm Pác Bó, Bác sẽ cho cháu cùng đi”. Tân Nhân mừng rỡ quá, nắm lấy tay Bác: “Bác nhớ Bác nhé. Nhất định cháu sẽ lên thăm Pác Bó...”.
Sau lần ấy vào thăm Bác, như có một ngọn lửa sáng bừng lên trong tiếng hát của mình, ca sĩ Tân Nhân, cũng như ca sĩ Quốc Hương đã trình diễn rất hay bài hát Tiếng hát giữa rừng Pác Bó. Chị còn là nghệ sĩ vinh dự hát trong dàn hợp xướng không dàn nhạc đệm với hơn 100 ca sĩ bài hát này giữa Nhà hát lớn Hà Nội, làm lay động lòng người. Có chuyến đi vào tuyến lửa Vĩnh Linh, không ít bà con đã đề nghị chị hát đi hát lại hàng chục lần bài hát này. Càng nghe, mọi người như càng thấy yêu Bác hơn, càng vững vàng hơn trên con đường cách mạng...
Chỉ đáng tiếc là lời hứa với Bác sẽ lên thăm Pác Bó của nghệ sĩ Tân Nhân đã không thể thực hiện. Sau lần gặp Bác, chị vào biểu diễn ở tuyến lửa khu Tư, Vĩnh Linh, mặt trận Lào... Và năm 1967, chị được cử đi thực tập âm nhạc ở Bulgaria.
Trước ngày đi, chị vào chào Bác và đã được chị kể lại trong hồi ký: “Thoạt đầu Bác hỏi: - Cứ theo cách hát dân tộc mà hát không được ư? Do đang say mê với phương pháp ca hát mới nên tôi hứng khởi trình bày phương pháp cộng minh khiến cho người hát dùng sức ít mà tiếng vang xa, kéo dài tuổi thọ nghề ca sĩ… và kết luận: Mình cũng là người như họ, chắc chắn mình cũng sẽ học được cách điều khiển âm thanh như họ, không thể để thua… Có lẽ cũng vui vì tinh thần hăng hái của tôi, Bác cười: Ừ! Thế thì đi học để mà tiến bộ...”.
Đáng tiếc là 3  năm sau khi chị đi thực tập về, Bác kính yêu đã không còn nữa. Và lời hứa lên thăm quê hương cách mạng, nơi buổi đầu Bác đặt chân về lãnh đạo cách mạng, chỉ còn là một ao ước khát bỏng trong nghệ sĩ Tân Nhân...
Nhưng ao ước này, lời hứa này của nghệ sĩ Tân Nhân với Bác Hồ kính yêu, dù nghệ sĩ đã không còn nữa, vẫn được những con cháu của nghệ sĩ thực hiện. Mới đây, cô giáo Thanh Tùng, con dâu của nghệ sĩ Tân Nhân từ Bắc Giang đã đến Pác Bó mang tình cảm của người nghệ sĩ nổi tiếng năm xưa đến dâng hương ở Đền thờ Bác Hồ tại Pác Bó, thăm khu di tích, đến dòng Khuổi Nậm trong câu hát mà nghệ sĩ Tân Nhân đã hát năm xưa: Trông vời lưng núi/Khuổi Nậm rì rào núi cao tầng mây… 

Tin cùng chuyên mục