Ý kiến

NH Trung ương chưa thể độc lập

Để chuyển NHNN Việt Nam trở thành NH Trung ương (TW) hiện đại, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện dự án xây dựng Luật NHNN mới, liên quan trực tiếp đến mô hình NH Trung ương.

Có thể nói vấn đề cốt lõi trong việc xác định mô hình NHTW là vị thế của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ. Kinh nghiệm thực tiễn của các nước, một NH TW không thể cùng một lúc đạt được hai mục tiêu vừa ổn định giá cả (chống lạm phát) vừa ổn định tỷ giá hối đoái.

Trên thực tế việc ổn định tỷ giá hối đoái là quyết sách có ý nghĩa chiến lược đối với tất cả các nước đang phát triển. Tỷ giá hối đoái ổn định sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và duy trì tốc độ tăng trưởng cần thiết. Tất nhiên, việc ổn định tỷ giá hối đoái trong điều kiện cung ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối và dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào mạnh chắc chắn sẽ làm tăng cung ứng dòng tiền, dẫn đến sức ép lạm phát lớn.

Nói cách khác, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, chúng ta phải chấp nhận lạm phát ở mức độ nhất định có thể kiểm soát được. Như vậy một NHTW gọi là độc lập khi và chỉ khi NHTW và chính sách tiền tệ của nó chủ yếu nhằm chống lạm phát, ổn định giá cả. Đây là trường hợp NHTW ở các nước phát triển, có cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi.

Như vậy chừng nào còn cần phải gắn chính sách tiền tệ với mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì NHNN chưa thể có vị thế tự chủ, bất luận là được đặt trong Chính phủ hay thuộc Quốc hội. Luật NHNN lần này được xác định có thời hạn hiệu lực đến khoảng 2015.

Trong thời gian này, chính sách của nước ta vẫn hướng vào tăng trưởng kinh tế trên cơ sở hội nhập quốc tế và chưa thể thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái. Vì vậy, Luật NHNN mới về cơ bản không thể xây dựng mô hình NHTW độc lập mà chủ yếu hướng vào việc phát triển NHNN thành NHTW có năng lực thực thi chính sách tiền tệ tiên tiến, có năng lực giám sát hệ thống NH theo chuẩn mực Ủy ban Basel (giám sát theo rủi ro), có hệ thống thanh toán hiện đại đạt chuẩn quốc tế, có hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý (MIS) hiện đại. 

Đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để chuyển sang cơ chế điều hành chính sách tiền tệ theo “lạm phát mục tiêu” gắn với cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi có kiểm soát và có hệ thống giám sát rủi ro hỗn hợp cho toàn bộ thị trường tài chính vào sau năm 2015.

TS. Lê Xuân Nghĩa
Vụ trưởng Vụ chiến lược NHNN

Tin cùng chuyên mục