Nhà báo Võ Như Lanh sống hết trách nhiệm, ra đi thanh thản

Dấu ấn Võ Như Lanh
Nhà báo Võ Như Lanh sống hết trách nhiệm, ra đi thanh thản

Những ngày anh Võ Như Lanh lâm trọng bệnh, thỉnh thoảng tôi ghé thăm, nhưng tôi vẫn nhớ nhất cuộc thăm cùng với nhà báo Ngọc Vinh (Báo Tuổi Trẻ) và Cao Cương (Báo Diễn đàn Đầu tư). Lúc đó, khối ung thư phổi của anh đã di căn lên não, do phải hóa trị, mồm miệng, móng tay móng chân bị lở, khi ăn uống vị giác không cảm nhận được gì mà anh vẫn vui vẻ trao đổi với chúng tôi chân tình gần 2 giờ đồng hồ, tỉnh táo như lúc bình thường.

Anh cho biết hàng ngày anh vẫn đọc sách, tọa thiền. Anh còn nói vui: “Bác sĩ bảo bệnh như mình, cỡ 3 tháng đến 5 tháng là “tịch” rồi mà mình đã đến tháng thứ sáu vẫn còn thấy bầu trời, như vậy về mặt thời gian mình có… “lời” ”. Tôi chưa thấy ai chờ đợi “cái chết được báo trước” của căn bệnh ung thư một cách bình tĩnh như vậy.

Nhà báo Võ Như Lanh

Điều đó chỉ có ở một con người có bản lĩnh sống, hiểu rõ lẽ tồn vong, không quá yêu mình, không vụ lợi cho mình từ vật chất cho tới chức vụ. Tôi nhớ năm 2005, trong một cuộc trao đổi với ban biên tập Nhóm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn anh nêu một quyết định làm ai cũng bất ngờ: “Năm tới, tôi sẽ nghỉ làm tổng biên tập”. Bởi vì năm đó, anh Võ Như Lanh 57 tuổi, còn 3 năm nữa mới nghỉ hưu. Anh giải thích: “Mình ngồi ghế tổng biên tập 15 năm rồi, quá dài, phải nhường cho người khác”. Vì chuyện này chưa có tiền lệ nên khi nhận đơn của anh, cơ quan quản lý cấp trên ra quyết định nghỉ hưu năm 2006. Anh làm công văn đề nghị ghi cho đúng là “thôi giữ chức tổng biên tập” chứ không phải nghỉ hưu vì chưa đến tuổi hưu.

Anh Lanh đã mất vào lúc 9 giờ 5 phút sáng 23-11-2014. Khi viết những dòng này về anh, tôi cực kỳ áy náy vì lúc sinh tiền anh không muốn ai viết về anh mặc dù trước 1975 anh là một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào sinh viên tại Sài Gòn. Sau 1975 anh là nhà báo nổi tiếng, góp phần xây dựng, tổ chức và quản lý các tờ báo lớn mà anh lãnh đạo một cách chuyên nghiệp. Một lãnh đạo nổi tiếng của phong trào sinh viên viết hồi ký và nhờ anh bổ sung phần công tác của anh trước 1975 vào hồi ký, anh từ chối. Trong dòng chảy của lịch sử từ thập niên 70 đến 90 của thế kỷ trước, sự am hiểu tình tình và tư liệu sống của anh ngồn ngộn. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và một số vị lãnh đạo khác có mối quan hệ rất thân tình với anh, trao đổi công việc với anh rất nhiều, nhưng anh không bao giờ nhắc lại trên mặt báo dưới dạng hoài niệm hay hồi ký vì anh quan niệm “cái gì đã qua, cho qua luôn”.

Khi anh Võ Như Lanh làm Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ, tôi có tiếp xúc, nhưng thực sự làm việc chung khi anh về làm Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng kiêm Tổng Thư ký Tòa soạn. Đó là năm 1985, lúc đó anh 37 tuổi, là thành viên trẻ nhất trong ban lãnh đạo cơ quan. Anh mang đến tòa soạn một không khí làm việc trẻ trung, sôi nổi và chuyên nghiệp. Anh bắt tay vào công việc cải tổ bộ máy tòa soạn, theo phương án các phó tổng thư ký tòa soạn phải trực tiếp lãnh đạo các ban công tác nội dung, không tách rời thành hai khối riêng như trước đây. Mặc dù lúc ấy một số phóng viên, biên tập viên không đồng tình nhưng cuối cùng hiệu quả công việc đã thuyết phục được mọi người: sự chỉ đạo từ ban biên tập trực tiếp đến phóng viên không bị ngăn cắt và lượng thông tin trên báo nhiều hơn và đưa tin nhanh hơn.

5 năm làm ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, một thời gian không dài, nhưng anh Lanh đã tạo được sự cảm mến trong đồng nghiệp ở tòa soạn về tính cương trực và quyết đoán của anh khi giải quyết công việc làm mọi người kính trọng.

Võ Như Lanh là con người của sáng kiến, luôn nghĩ ra cái gì mới, không đường mòn. Việc lập ra tuần báo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn vào năm 1990 là tờ báo kinh tế đầu tiên của Việt Nam và là sự kiện mới trong làng báo vì bấy giờ hình ảnh doanh nhân còn rất xấu trong xã hội (vì trước đây bị gọi là thành phần “bóc lột”), xã hội chưa xóa hết bao cấp và đầu tư nước ngoài chưa vào. Nhưng thực tiễn của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam cần một tờ báo như vậy. Nó không chỉ thông tin kinh tế, phản hồi chính sách khi đi vào thực tiễn và một mặt nào đó góp phần xây dựng một lực lượng doanh nhân mới. Bây giờ đã có quá nhiều báo giấy, báo mạng thông tin kinh tế, nhưng lùi lại hơn 20 năm trước mới hiểu được giá trị những ấp ủ, những trăn trở của anh Võ Như Lanh và các đồng sự khi lập ra Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn. Và sau này còn phát triển thêm các tờ báo tiếng Anh như Saigon Times Weekly, Saigon Times Daily hình thành nên Saigon Times Group (Nhóm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn).

Anh Lanh đã mất nhưng chắc chắn bạn bè vẫn nhớ mãi những cuộc chơi do anh bày ra. Có những cuộc chơi trí tuệ như kết nối tờ báo với những chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước tranh luận những vấn đề kinh tế trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. Có cuộc chơi để thư giãn và giải khuây như lập “Câu lạc bộ Bolero” để bạn bè tập hợp hát hò… Trong những cuộc chơi ấy, anh rất tận tụy và hết mình.

Nhiều người tiếc nuối cho sự ra đi của anh ở tuổi 67 vì tư duy anh rất sắc sảo, năng lực phân tích của anh rất mạnh mẽ. Nhưng trên tất cả là mọi người mất đi một nhà báo chân chính, một nhân cách sống tuyệt vời.

QUỐC VĨNH
Nguyên Phó Tổng biên tập Thời Báo Kinh tế Sài Gòn


Dấu ấn Võ Như Lanh

Trong suốt 16 năm làm Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG), rất hiếm khi nhà báo Võ Như Lanh đứng tên là tác giả bài viết nào. Nhưng hầu như bài viết nào, số báo nào cũng có dấu ấn của ông.

Các bài Ý kiến nằm ở đầu tờ báo, là một “đặc sản” của TBKTSG thường được ông biên tập kỹ nhất. Các bài ý kiến, qua bàn tay biên tập của ông trở nên sắc nét hơn, thẳng thắn hơn, từ dùng chuẩn xác hơn, nêu bật chính kiến của đội ngũ làm tờ báo về một vấn đề thời sự nào đó.

Số báo nào cũng thể hiện một định hướng nội dung của ông, là những ý kiến bật ra từ các cuộc họp hàng tuần hay là những trao đổi của ông với tập thể tòa soạn. Ông cũng có thể là người tổ chức bài vở cụ thể như một thư ký tòa soạn và có thể nói chuyện với một cộng tác viên là chuyên viên một lãnh vực nào đó để tạo hứng khởi cho một bài viết được đặt hàng vào bất kỳ lúc nào.

Nhưng dấu ấn của Võ Như Lanh nằm ở chỗ định ra chiến lược của một tờ báo kinh tế trong bối cảnh Việt Nam vừa mới mở cửa vào đầu thập niên 1990 khi nền kinh tế thị trường chưa thật sự hình thành, đầu tư nước ngoài chỉ mới chập chững kêu gọi, kinh tế tư nhân còn mong manh và ảnh hưởng của nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp còn rất nặng nề.

Bây giờ nhiều khái niệm hóa ra là chuyện đương nhiên với chúng ta nhưng hơn 20 năm trước đây, cổ vũ và thúc đẩy những khái niệm đó không phải là chuyện đơn giản. Nhà báo Võ Như Lanh đã xác định ngay từ đầu cho TBKTSG là ủng hộ hết lòng cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh; tạo mọi điều kiện cho cạnh tranh; thúc đẩy nền kinh tế nước nhà bền vững và bình đẳng trong hoạt động.

Những ý tưởng như tách vai trò chủ quản ra khỏi bộ máy quản lý nhà nước, thúc đẩy cổ phần hóa như một biện pháp cải cách doanh nghiệp nhà nước, đối thoại giữa doanh nghiệp với Nhà nước được bền bỉ giới thiệu và tô đậm trên TBKTSG.

TBKTSG dưới sự dẫn dắt của ông đã trở thành diễn đàn cho giới doanh nhân, giới nghiên cứu kinh tế và ngay cả các quan chức nhà nước bày tỏ ý kiến đa chiều, góp phần làm nên một cộng đồng doanh nhân đa dạng, kể cả những hoạt động ngoài mặt báo.

Kể cả khi đã nghỉ hưu, thôi làm Tổng biên tập, ông vẫn gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp khi cùng một số thân hữu lập ra Quỹ Saigon Times nhằm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh gặp khó khăn về kinh tế có thể tiếp tục việc học. Những ngày lâm bệnh, ông vẫn còn mong muốn tập hợp các tấm lòng đưa kiến thức kỹ thuật, kinh nghiệm quản trị vào giới trẻ.

Trần Thị Ngọc Huệ,
Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Tin cùng chuyên mục