Nhà đầu tư chiến lược Warren Buffett

Nhà đầu tư chiến lược Warren Buffett

Trong cuộc họp thường niên của Công ty Berkshire Hathaway, Warren Buffett (ảnh), Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tuyên bố sẵn sàng bỏ ra 40 tỷ USD, thậm chí 60 tỷ USD,  để mua thêm một số doanh nghiệp.

Nhà đầu tư chiến lược Warren Buffett ảnh 1

Nhưng điều khó khăn đối với Warren Buffett là làm sao chi tiền đúng chỗ, bởi ông chỉ đầu tư theo các tiêu chí do mình đặt ra mà một trong các tiêu chí đó là giá rẻ. Nhà “đầu tư hiền triết” này cũng luôn ưa chuộng các công ty chất lượng cao, có ưu thế cạnh tranh dài hạn, đủ sức bật cao và xa hơn so với đối thủ. Ông không đầu tư vào những ngành nghề mà ông không hiểu rõ, chẳng hạn như công nghệ thông tin. Nhưng có lẽ tiêu chí Buffett chú trọng nhất là công ty đó phải hoạt động tốt, do một đội ngũ quản trị hàng đầu điều hành để khi mua xong, ông không phải thay thế ai cả. Khác với hầu hết các công ty đầu tư tư nhân, Berkshire Hathaway không đầu tư ngắn hạn để kiếm tiền nhanh. Sau khi đã mua một doanh nghiệp Buffett sẽ giữ nó lại lâu dài và rất hiếm khi ông bán lại. Thông thường Buffett chỉ bỏ tiền mua các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Nhưng với số tiền từ 40 tỷ USD đến 60 tỷ USD, ông sẽ có thể mua thêm một vài công ty, trong đó Hoa Kỳ có, nước ngoài có nhưng phải là cỡ bự với tầm hoạt động quốc tế. Vậy nếu hiện nay nhà đầu tư hàng đầu thế giới này mạnh tay mua thì đâu là các mục tiêu khả dĩ? Theo BusinessWeek, một số đại doanh nghiệp mà Buffett có thể sẽ ghé mắt tới, gồm:

  • Caterpillar

Không gì lạ. Công ty chuyên máy cày, máy ủi và các loại cơ giới hạng nặng này hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí đầu tư của Buffett. Caterpillar luôn tăng trưởng một cách vững chắc và được quản trị rất tốt. Nó đã vươn ra thế giới và đến nay có đến 50% doanh số công ty là do hàng bán ra nước ngoài đem lại. Giá trị thị trường của công ty hơn 100 năm tuổi này đã lên đến 478 tỷ USD, có doanh số hàng năm khoảng 42 tỷ USD. Dòng tiền mặt của Caterpillar cũng khá cao: 6 tỷ USD. Tuy nhiên có một điều Buffett không thích là công ty này có món nợ 27 tỷ USD.

  • Ikea

Dường như giữa Ingvar Kamprad, nhà sáng lập Ikea với Buffett luôn có sự tương đồng. Bởi cả hai đều hiểu rõ giá trị thương hiệu cá nhân và đều có tài ăn nói, thuyết phục trước đám đông. Ikea có thể là một mục tiêu trong sách lược đầu tư mới của Buffett. Buffett cũng am hiểu và rất thích ngành sản xuất trang thiết bị nội thất bàn ghế, tủ giường, kệ bếp… Ông đang sở hữu một số doanh nghiệp trong ngành: Nebraska Furniture Mart, R.C. Wiley Home Furnishings, Jordan’s Furniture và Star Furniture. Hẳn Buffett sẽ ưa thích trang thiết bị nội thất giá thấp nhưng thiết kế cao cấp của Ikea. Hơn nữa công ty gốc Thụy Điển này là một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, đang dần trở nên phổ biến giống như Coca-Cola - một trong những doanh nghiệp hái ra tiền cho Buffett (ông nắm giữ một số lượng khá lớn cổ phiếu của Coca-Cola). Doanh số toàn cầu của Ikea vào khoảng 18 tỷ USD; công ty cũng điều hành một mạng lưới 226 cửa hàng hoạt động ở nhiều nước trên thế giới.

  • Valero

Buffett đang nắm trong tay MidAmerican Energy Holdings, một công ty sản xuất năng lượng. Nhưng ông còn muốn phát triển thêm trong ngành năng lượng bằng cách mua lại Valero, công ty sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Hoa Kỳ. Đây cũng là công ty có chính sách “không bao giờ sa thải người” rất phù hợp với triết lý sống của Buffett. Valero có khả năng sinh lợi cao. Đó là chưa kể đến nhu cầu xăng dầu cao ở Hoa Kỳ, đến nỗi các nhà máy lọc dầu luôn phải chạy với công suất tối đa. Tuy nhiên việc mua Valero không dễ vì giá khá cao. Cổ phiếu của công ty này được giao dịch ở mức 72,48 USD/cổ phiếu và giá trị thị trường của nó vào khoảng 44 tỷ USD. Nhưng đây là một doanh nghiệp được quản trị khá tốt với doanh số hàng năm 90 tỷ USD. So với doanh số, mức nợ 5,3 tỷ USD của nó cũng tương đối nhỏ. 

  • Lehman Brothers

Warren Buffett đang đầu tư dài hạn vào Salomon Brothers và ông từng giữ chức Chủ tịch tạm thời để vực dậy (khoảng 10 tháng) ngân hàng đầu tư chuyên hoạt động tại TTCK New York. Sau khi đầu tư vào Salomon Brothers, Buffett không mua thêm một doanh nghiệp tài chính nào nữa. Tuy nhiên Lehman Brothers có thể làm ông đổi ý. Bởi Richard Fuld, Tổng giám đốc Lehman Brothers từ năm 1993 là nhà điều hành kỳ cựu nhất ở Wall Street, được mọi người nể trọng. Fuld đã xây dựng Lehman Brothers thành một doanh nghiệp có những hoạt động đa dạng trong ngành tài chính, có lợi nhuận vững chắc. Tuy nhiên giống như trường hợp của Valero, mua Lehman Brothers không dễ vì giá khá cao. Trong ba năm trở lại đây, cổ phiếu của Lehman Brothers đã tăng giá gần gấp đôi, đẩy giá trị thị trường của nó lên mức 40 USD.

Ngọc Trung
(Theo BusinessWeek)

Tin cùng chuyên mục