Nhà lưu trú công nhân. Bài 2: Để công nhân có niềm vui an cư

Nhà lưu trú công nhân. Bài 2: Để công nhân có niềm vui an cư

Xã hội hóa trong việc xây dựng nhà lưu trú công nhân (nhà lưu trú) là chủ trương đúng, đã mang lại kết quả khả quan. Xã hội hóa không có nghĩa nhà đầu tư tự bơi, mà đòi hỏi sự hỗ trợ về chính sách và những biện pháp phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng liên quan.

Ông NGUYỄN VĂN DANH, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM: Điều chỉnh quy chế quản lý nhà lưu trú

Những biện pháp hỗ trợ của chính quyền TPHCM đã thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình nhà lưu trú. Tuy nhiên, để có nhiều nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà lưu trú và tạo điều kiện cho công nhân tiếp cận sử dụng, cần có sự tham gia, phối hợp đồng bộ giữa UBND các quận - huyện, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN), chủ đầu tư dự án và Ban quản lý nhà lưu trú. Ban quản lý các KCX-KCN cần nghiên cứu điều chỉnh quy chế quản lý nhà lưu trú, phổ biến các quy chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tham gia xây dựng nhà lưu trú. Trong khu nhà lưu trú phải bố trí một số phòng cho người thân của công nhân nghỉ khi họ đến thăm hỏi.

Khu nhà lưu trú công nhân của Công ty SADECO được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều công nhân vào ở.

Để giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các dự án nhà lưu trú. Doanh nghiệp tham gia đầu tư chương trình này được vay vốn ưu đãi với lãi suất 0%. Ngân hàng điều chỉnh mức vốn tối thiểu của khách hàng khi vay phù hợp với thực tế. Về lâu dài, ngân hàng nên có chương trình riêng cho vay lãi suất ưu đãi, đặc biệt đối với các dự án nhà ở an sinh xã hội.

Ông NGUYỄN VIẾT TẠO, Tổng Giám đốc Công ty Kinh doanh địa ốc NVT: Muốn giảm giá thuê nhà, phải giảm thuế đất

Là doanh nghiệp có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực kinh doanh địa ốc, bất động sản, tôi thấy để nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình xây nhà lưu trú không khó, điều khó là làm sao cho những người công nhân có thu nhập không cao vẫn tiếp cận được nhà ở. Hiện nay, giá thành sản phẩm xây dựng cao, dẫn đến giá thuê cao đã làm nhiều công nhân không đủ điều kiện thuê nhà lưu trú. Để giải bài toán này, TPHCM đã có chính sách hỗ trợ lãi vay, nhưng chưa đủ, mà cần thiết phải có chính sách giảm, miễn thuế liên quan đến đất đai cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, để có đất sạch xây dựng nhà lưu trú, doanh nghiệp phải đền bù theo giá thị trường cho người sử dụng đất, đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất, thuế doanh nghiệp… Các khoản thuế này làm tăng giá đất, kèm theo đó chi phí đầu tư xây dựng đã đẩy giá thành lên cao, dẫn đến giá cho thuê cao. Muốn cho giá thuê phòng thấp, vừa túi tiền công nhân, nhà nước cần có chính sách miễn giảm thuế và phí cho doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này.

Ông NGUYỄN VĂN LỢI, Giám đốc Công ty Thiên Phát: Cần chính sách hỗ trợ để tái đầu tư nhà lưu trú

Công ty chúng tôi bỏ ra hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà lưu trú bằng sự nhiệt tình với chủ trương của TPHCM và tấm lòng đối với công nhân lao động. Song, những khoản ưu đãi của nhà nước chỉ mới góp phần nhỏ, chứ chưa trở thành động lực, thực tế vẫn đang còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Đầu tư xây dựng nhà lưu trú trong thời điểm này chưa mang lại lợi nhuận. Công ty chúng tôi dám đầu tư vào lĩnh vực nhà lưu trú vì có những lợi thế có sẵn, đó là đất đai của công ty đã có từ trước. Công ty lại có đội xây dựng, cơ sở tự sản xuất thiết bị, vật tư, nên vừa tạo được công ăn việc làm cho đội ngũ và vừa có giá thành chấp nhận được. Công ty có cơ sở nuôi, trồng có nguồn thực phẩm, để cung cấp bữa ăn sạch, giá rẻ cho công nhân.

Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp không thể hoạt động chỉ bằng tấm lòng với người lao động, mà cần có chính sách hỗ trợ hợp lý từ nhà nước để doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận, tích lũy tái đầu tư nhiều công trình nhà lưu trú, phục vụ công nhân nhiều hơn nữa.

TPHCM đã có kế hoạch điều chỉnh quy hoạch, tạo thêm 48ha đất để đầu tư xây dựng 144.000 chỗ ở cho công nhân. Nhiều dự án nhà lưu trú đã và đang được triển khai: Khu đất trên 8.000m² tại phường Bình Trị Đông B (Bình Tân) do Công ty Sài Gòn Nic làm chủ đầu tư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; khu đất 3ha ở phường Bình Chiểu (Thủ Đức) do Công ty May Sài Gòn 3 làm chủ đầu tư đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng… TPHCM cũng đã ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư: doanh nghiệp đầu tư nhà lưu trú theo dự án sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất, thời gian hỗ trợ không quá 7 năm và tối đa là 100 tỷ đồng cho một dự án. Đến nay có 5 dự án đã được vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

TRẦN YÊN

>> Bài 1: Thiếu mà thừa

Tin cùng chuyên mục