Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vùng bị sóng thần

Tại hội thảo quốc tế “Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-9, các nhà khoa học cho rằng ngoài động đất, Việt Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sóng thần tàn phá, nhất là khu vực duyên hải miền Trung...
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong vùng bị sóng thần

Tại hội thảo quốc tế “Nguy hiểm động đất, sóng thần và các hệ thống cảnh báo sớm khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-9, các nhà khoa học cho rằng ngoài động đất, Việt Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bị sóng thần tàn phá, nhất là khu vực duyên hải miền Trung...

  • Nguy cơ sóng thần là hiện hữu

Theo TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, sau khu vực Tây Bắc, vùng có nguy cơ xảy ra động đất nhiều và mạnh nhất thì xếp thứ hai chính là tuyến đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ tập trung tại vùng biển ngoài khơi Phan Thiết và Vũng Tàu.

Biển Vĩnh Hải - khu vực cận kề các vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Văn Ngọc.

Biển Vĩnh Hải - khu vực cận kề các vị trí xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: Văn Ngọc.

Theo các kết quả nghiên cứu đã được thực hiện tại Viện Vật lý địa cầu và các nhà khoa học quốc tế, các vùng nguồn động đất ở khu vực biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới Việt Nam bao gồm: 1. Riukiu (Đài Loan, Trung Quốc); 2. đới hút chìm Manila, Philippines; 3. biển Sulu; 4. biển Celebes; 5 và 6. vùng biển Ban Đa; 7. Bắc biển Đông; 8. Palawan và 9. Tây biển Đông, trong đó đới hút chìm Manila (máng nước sâu Manila) có nguy cơ cao nhất. Trong khu vực này đã xảy ra một trận động đất cường độ 8,2 độ richter ngày 26-5-2006, nhưng không gây nên sóng thần.

Theo tính toán của Bộ Tài nguyên - Môi trường, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, động đất 8,3 độ richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila có thể tạo nên sóng thần cao 5,2m ở Quảng Ngãi và 2,1m ở Nha Trang. Động đất 9,2 độ richter có thể tạo ra sóng thần cao 10,6m ở Quảng Ngãi và 5m ở Nha Trang. Thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 giờ.

TS Lê Huy Minh cho rằng về mặt khoa học các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần, như vậy nguy cơ sóng thần ở dọc bờ biển duyên hải miền Trung Việt Nam là hiện hữu và cần được quan tâm.

  • Hàng năm đều có động đất vùng Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận

Với mức độ động đất như thời gian qua trên tuyến đứt gãy kinh tuyến 109-110 độ, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cho rằng khó để gây ra sóng thần. Tuy nhiên, nếu có núi lửa hoạt động thì có thể gây ra sóng thần. Theo tính toán, nếu tất cả những yếu tố đó hội tụ để tạo ra sóng thần thì mức sóng thần ở đây cũng thấp chứ không mạnh, tàn phá khủng khiếp như ở Nhật Bản hồi tháng 3 vừa qua hay ở Indonesia cuối năm 2004.

Các nhà khoa học cũng khẳng định rằng trên thế giới không ai có thể dự báo được, tất cả các quốc gia chỉ làm công tác “báo tin” khi động đất xảy ra, hoặc cảnh báo vùng nào có nguy cơ sẽ diễn ra động đất cao. Nhưng với sóng thần chúng ta có thể cảnh báo và chuẩn bị đối phó được.

Về độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được xây dựng tại Ninh Thuận, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) cho biết khu vực xây dựng nhà máy điện hạt nhân tương đối ổn định và những trận động đất có cường độ 4,7 - 5 độ richter xảy ra trong thời gian qua sẽ không ảnh hưởng đến khu vực nhà máy điện hạt nhân.

Khu vực được chọn xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân 1 tại Ninh Thuận. Ảnh: Văn Ngọc

Khu vực được chọn xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân 1 tại Ninh Thuận. Ảnh: Văn Ngọc

PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thông tin thêm, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đơn vị thiết kế sẽ phải cộng thêm một cấp kháng chấn so với mức độ chịu động đất cực đại theo dự báo. Ví dụ như khu vực Ninh Thuận được các nhà địa chất xác định là vùng động đất cấp 5 hoặc 6 thì phải thiết kế nhà máy có mức độ chống chịu động đất thấp nhất là cấp 6 hoặc 7.

Theo TS Nguyễn Hồng Phương, vùng Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận (nằm trên tuyến đứt gãy 109 – 110 độ) hàng năm đều có động đất từ 4,7 - 5,2 độ richter. Đây là hoạt động bình thường của sự kiến tạo, nội sinh, không gây ra sóng thần hay các hiện tượng đặc biệt nguy hiểm khác. Tuy nhiên, nếu một trận động đất từ 8 độ richter trở lên và gây sóng thần trên tuyến đứt gãy này (theo dự báo hiện nay, mạnh nhất là 6,5 độ richter) thì chỉ sau 15-30 phút, sóng thần sẽ đến đất liền Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Kịch bản này các nhà khoa học Việt Nam cũng như thế giới đều thống nhất rằng Việt Nam cần chủ động có những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Từ đó sẽ đánh giá toàn diện, khoa học, đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Đồng thời đề ra các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro đối với vùng duyên hải miền Trung, những nơi sẽ chịu tác động trực tiếp, nếu xảy ra động đất gây sóng thần trên khu vực biển Đông. 

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục