Thông thường, khi các nhà máy được đầu tư xây dựng sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Thế nhưng vì thành tích, sự nóng vội nên các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam đã “đặt nhầm” các nhà máy tại những nơi không nên đặt. Để rồi người dân tại những nơi này ngày đêm phải kêu trời vì những hệ lụy do nó gây ra.
- Lao đao vì mắc lỡm nhà máy
Đứng giữa rừng sắn cao ngút, rộng hơn 3ha, nông dân Nguyễn Văn Sơn (thôn Nam Phước, Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam) buồn rầu và hụt hẫng bởi sự đứt đoạn quá nhanh của sợi dây liên kết: nông dân - Nhà máy ethanol Đại Tân (do Công ty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư). Toàn bộ 3ha sắn đã quá thời gian thu hoạch nhưng anh Sơn vẫn không dám thuê người nhổ. “Nhổ làm chi khi nhà máy không thu mua nữa? Chắc bỏ luôn, xem như mất trắng” - anh Sơn chua chát. Theo anh Sơn, khi biết công ty về đây mở nhà máy, người dân khấp khởi vui mừng và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng, người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ đây. Thế mà ai ngờ, chỉ chưa đầy 2 năm đã gây ra không ít khốn khổ cho người dân.
Đầu năm 2011, khi Nhà máy ethanol Đại Tân hoạt động, đại diện công ty cùng chính quyền địa phương hô hào, phát động toàn dân trồng sắn, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Hưởng ứng, anh Sơn cùng hàng trăm hộ dân khác của 3 thôn Nam Phước, Xuân Tây và An Chánh (xã Đại Tân) đồng loạt phá bỏ cây trồng trên đất để lấy diện tích trồng sắn. Được vụ đầu tiên, nhà máy thu mua với giá hợp lý, ai cũng vui mừng vì từ nay cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Thế nhưng, “sợi dây liên kết” tưởng bền chặt chỉ được chưa đầy một mùa sắn bỗng nhiên đứt phựt. Sắn bước vào vụ thu hoạch, nhà máy thông báo: không thu mua nữa, người dân trồng sắn tự lo, nhà máy không can thiệp. Hơn 700 hộ dân ở Đại Tân như chết đứng bởi thông tin này. Trung bình, mỗi hécta sắn phải đầu tư gần 10 triệu đồng, chưa kể công gieo trồng, chăm bón và thu hoạch. Thế là bỗng chốc hơn 700 hộ dân mất trắng tất cả.
- Đặt nhầm chỗ
Hôm chúng tôi về Đại Tân, chạy dọc theo con đường bê tông liên thôn, cái mùi thối thum thủm cứ xộc vào mũi. Hỏi ra mới biết là nhiều gia đình vì tiếc của, nhổ sắn mang về nhà xắt lát ra phơi nhằm vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Ai ngờ gặp thời tiết mưa liên tục làm cho sắn bị thối rữa, bốc mùi cả xóm làng. Ông Hồ Xuân Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tân, cho biết: “Nhà máy không mua sắn do đã ngừng hoạt động từ tháng 7-2012, vì không còn vốn và tình trạng ngừng sản xuất sẽ kéo dài không biết đến khi nào”.
Có mặt tại Nhà máy ethanol Đại Tân trong những ngày đầu tháng 10, chúng tôi chứng kiến hàng trăm công nhân tập trung đòi lương, gây mất an ninh cả khu vực. Anh Trần Văn Tuấn (công nhân phân xưởng cồn), nói: Nhiều người như tôi đã bỏ việc ở dưới Đà Nẵng về đây làm với mong muốn gần nhà. Ai ngờ mới được hơn năm mà nhà máy đã nợ lương công nhân đến 3 tháng trời. Nhà máy có hơn 300 công nhân, cũng đồng nghĩa với việc chừng ấy con người đang lây lất từng ngày. Không dừng lại đó, từ ngày nhà máy đi vào hoạt động, người dân trong vùng lại gánh chịu thêm nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng thôn Nam Phước (nơi đặt nhà máy), cho rằng: Nạn ô nhiễm môi trường phải nói là kinh khủng. Mùi sắn thối cộng với hóa chất từ nhà máy bay ra nồng nặc. Khi nhà máy hoạt động khắp vùng nháo nhác cả lên, đến cơm nuốt cũng không trôi. Có đợt, nhà máy đổ nước thải ra sông Thu Bồn, cá chết nổi trắng sông. Để che mắt người dân cũng như các ngành chức năng, công ty cử công nhân bơi ghe đi vớt từng bao tải đem đi chôn. Nhiều hộ dân gần bờ sông nuôi cả đàn vịt, gần đến thời điểm bán không may sổng chuồng, lội xuống sông thế là lật cánh, chết queo hết.
“Hoạt động thì gây ô nhiễm, ngừng hoạt động người trồng sắn lao đao. Đường nào cũng gây bất lợi cho người dân cả. Việc đưa nhà máy về đây quả là một sai lầm của tỉnh. Bởi nhà máy ethanol có nguy cơ cháy nổ cao, lại đặt ngay trong khu vực dân cư. Hơn nữa, đất đai ở đây rất phì nhiêu, nhà máy về đã chiếm một diện tích lớn gây lãng phí về tài nguyên đất. Quảng Nam thiếu gì nơi để đặt nhà máy sao phải chọn nơi này không biết?” - ông Tài đặt câu hỏi.
Một minh chứng khác cho việc “đặt nhầm” nhà máy ở tỉnh Quảng Nam là 3 nhà máy thép Huỳnh Nguyên, Vina - Nhật, Việt Pháp được cấp phép đầu tư xây dựng tại cụm công nghiệp Thương Tín 1 (xã Điện Nam Đông, Điện Bàn, Quảng Nam). Vì sao có tới 3 nhà máy thép được cấp phép hoạt động ngay trong khu dân cư và trong khu vực chỉ ưu tiên phát triển du lịch? Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quyết định số 130/QĐ - UB của UBND huyện Điện Bàn (ngày 1-1-2004) về việc phê duyệt quy hoạch và điều lệ xây dựng cụm công nghiệp Thương Tín 1, ở mục 4 ghi rõ: Khu công nghiệp nhẹ, mang tính sạch, không bụi bẩn, không tiếng ồn, không chấn động, không ô nhiễm lây lan.
Tuy nhiên, đến 12-5-2010, lại có Quyết định 1336/QĐ-UBND của huyện Điện Bàn về việc điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp - dịch vụ Thương Tín 1, mục chức năng: KCN nhẹ, sạch, không bẩn, không tiếng ồn… đã biến mất, thay vào đó là những câu từ mang tính lập lờ: Sản xuất công nghiệp… Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Điện Bàn, thừa nhận, để 3 nhà máy thép trong khu dân cư là có vấn đề, ít nhất đến thời điểm này đã lộ rõ bất cập vì ô nhiễm nặng.
Theo ông Chơi, hồi quy hoạch cụm công nghiệp Thương Tín 1, vì huyện sốt ruột, muốn nhanh chóng lấp đầy cụm công nghiệp này nên ai đầu tư cũng được đồng ý, bất kể thép hay gì khác. Thế hệ lãnh đạo huyện quyết định cho các nhà máy thép vào hoạt động ở cụm công nghiệp Thương Tín 1 đã nghỉ hưu, để lại hậu quả ô nhiễm cho dân và những cán bộ đương chức bây giờ phải gánh.
Thế nhưng, kể từ đầu năm 2012 đến nay, đã không biết bao nhiêu cuộc họp từ huyện đến tỉnh được tổ chức nhưng sự việc vẫn chưa tìm được hướng giải quyết ổn thỏa. Bởi lẽ, do vốn đầu tư khá lớn nên không thể di dời nhà máy đi nơi khác, di dời hơn 400 hộ dân thì càng không thể. Thế là sự nóng vội, vì thành tích của một số cá nhân lãnh đạo huyện Điện Bàn đã để lại hậu quả người dân và cả doanh nghiệp gánh chịu.
NGUYỄN HÙNG