Trong khi sau 10 năm kêu gọi đầu tư, Cần Thơ vẫn chưa xây dựng được nhà máy xử lý rác thải thì tại Vĩnh Long, nhà máy xử lý rác với dây chuyền công nghệ tiên tiến nhập từ châu Âu đang “trùm mền”, gây bức xúc cho nhà đầu tư.
Đóng cửa sau khi chạy thử
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phương Thảo (Công ty Phương Thảo), cho biết: “Năm 2009, chúng tôi được UBND tỉnh Vĩnh Long mời gọi và cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, với diện tích sử dụng 8ha (bao gồm bãi rác Hòa Phú 2,4ha). Chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà máy với dây chuyền công nghệ nhập từ châu Âu, công suất 300 tấn/ca/8 giờ; tổng vốn 238 tỷ đồng”.
Thế nhưng hiện nay toàn bộ hệ thống xử lý rác đang “trùm mền”. Lý do là giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Công ty Phương Thảo chưa thống nhất một số điều khoản. Cụ thể, 2 bên bất đồng về giá xử lý rác thải và kinh phí tạm ứng xử lý bãi rác tồn cũ của nhiều năm trước với hơn 350.000 tấn.
Từ tháng 4-2013 UBND tỉnh Vĩnh Long đã thống nhất và giao cho Công ty Công trình công cộng hợp đồng với Công ty Phương Thảo xử lý rác 100 tấn/ngày với mức giá 240.000 đồng/tấn. Bà Liêu Cát Phương Thảo cho rằng lượng rác thải Vĩnh Long cung cấp chỉ khoảng 100 tấn/ngày, rất thấp so với công suất thiết kế. Trong khi đó đơn giá xử lý rác quá thấp (chỉ 240.000 đồng/tấn, trong khi nhà máy xử lý tại Cà Mau có giá 390.000 đồng/tấn) dẫn đến không đủ tiền chi phí vận hành nhà máy cùng các khoản tiền: khấu hao, lương nhân công, điện và trả lãi vay ngân hàng…
Sau đó, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra phương án tăng mức giá hỗ trợ lên 320.000 đồng/tấn đối với rác mới, rác cũ từ 240.000 đồng/tấn lên 250.000 đồng/tấn nhưng giữa doanh nghiệp và địa phương vẫn chưa thống nhất.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Long, cho rằng: “Đoàn kiểm tra do tôi làm tổ trưởng đã kiểm tra hoạt động của nhà máy, nhưng thấy không hiệu quả và không đảm bảo môi trường. Công nghệ chưa hoàn chỉnh, xử lý nước thải chưa đạt, lượng rác Công ty Phương Thảo xử lý chưa triệt để...”. Đặc biệt, theo lời ông Đấu, quá trình kiểm tra đa phần thực hiện bằng mắt thường và cảm tính chứ chưa có kết luận một cách khoa học hoặc văn bản chính thức được công bố.
Đề nghị được gặp chủ tịch UBND tỉnh
Về vấn đề chất lượng nhà máy, bà Liêu Cát Phương Thảo khẳng định: “Công nghệ xử lý được nhập từ châu Âu, đã qua kiểm nghiệm chặt chẽ và được các bộ ngành đánh giá cao, nhưng tỉnh Vĩnh Long lại cho rằng không đạt... Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa nhận được văn bản kết luận chính thức nào của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long về vấn đề này”.
Mới đây, tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “UBND tỉnh Vĩnh Long khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên, vụ việc của Công ty Phương Thảo có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Các ngành chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều cuộc họp với mục đích là hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết triệt để”.
“Tỉnh Vĩnh Long không cho chúng tôi nhận rác từ các nơi khác chỉ bằng văn bản. Trong khi chúng tôi tìm hiểu không có luật nào quy định “ngăn sông cấm chợ” như thế. Hiện tại nhà máy ngưng hoạt động, mỗi tháng phải đóng lãi ngân hàng 2 tỷ đồng; chi phí vận hành không tải cho hệ thống máy móc và trả lương công nhân gần 400 triệu đồng. Chúng tôi đang đứng bên bờ vực phá sản. Tôi đề nghị được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh hoặc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long để giải quyết vấn đề này” - bà Thảo nói. Đáng chú ý, theo lời bà Thảo, trong lúc nhà máy rác tạm ngưng hoạt động thì một “trung gian” ở tỉnh Vĩnh Long môi giới cho một doanh nghiệp “đánh tiếng” muốn mua lại nhà máy (?!).
Hiện tại, chủ đầu tư nhà máy rác đã “kêu cứu” lên trung ương, đề nghị các bộ ngành trung ương vào xem xét, kiểm tra, thẩm định công nghệ, hiệu quả hoạt động của nhà máy, để sớm tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động hiệu quả.
| |
BÌNH ĐẠI