Giữa cái nắng, cái gió oi nồng ngày hè của miền Trung, trong hai ngày 21 và 24-9 vừa qua, Ban Tổ chức Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã khởi công xây 30 nhà tình nghĩa tặng các gia đình chính sách, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và đang gặp khó khăn tại hai tỉnh Nghệ An và Phú Yên. Đây là chương trình nằm trong gói tài trợ 2 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).
Những ước mơ bình dị
Lễ khởi công chung cho 12 căn nhà tình nghĩa (trị giá 45 triệu đồng/căn) mà Chương trình xây dựng tại tỉnh Nghệ An diễn ra tại nhà cựu chiến binh Nguyễn Văn Cúc ở xóm Trung Thành xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Vợ chồng ông lúng túng đón quan khách trong ngôi nhà “3 gian” đổ vách với bức tường cũ kỹ loang lổ vết nứt, mái ngói sập xệ như chỉ cần một cái chạm nhẹ là có thể rơi ào xuống mặt đất.
Người cựu chiến binh sinh năm 1951 ấy là anh cả trong gia đình 3 anh em trai, em trai thứ 2 là liệt sĩ Nguyễn Văn Đức hy sinh tại Gò Dầu Tây Ninh năm 1978, em út là Nguyễn Văn Hạnh, hiện tại cuộc sống cũng rất khó khăn. Bản thân ông và vợ từng tham gia phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn (hạ sĩ, y tá đơn vị Sư đoàn 968) từ năm 1972. Năm 1978, hai vợ chồng xuất ngũ, trở về với nghề nông vất vả cơ cực với 4 sào ruộng. Rồi 4 con gái lần lượt ra đời, cuộc sống đã khó càng càng cơ cực hơn.
Đầu tắt mặt tối với ruộng vườn chưa đủ ăn, ông phải nhận làm đủ thứ việc, từ y tá đến bảo vệ thôn, bốc ngô, tẩn liệm xác chết... nhưng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ khoảng 450.000 đồng. Vì vậy, suốt 30 năm qua, ngôi nhà của ông chưa một lần được sửa sang. Đêm đêm cả gia đình 7 người (hai vợ chồng ông, 3 con gái và 2 cháu ngoại) chen chúc trong một gian nhà nhỏ, chật chội và ẩm thấp. Đã vậy, mấy tháng nay mắt cô con út ngày càng mờ. Ông lo lắm nhưng chưa có tiền nên cũng chưa đi khám được. Con gái lớn có chồng ở xa, cuộc sống cũng rất khó khăn, không giúp đỡ được gì.
Lễ khởi công 18 căn nhà tình nghĩa (trị giá 25 triệu đồng/căn) tại tỉnh Phú Yên diễn ra tại hai nơi: hộ ông Nguyễn Ngọc Câu ở xã Hòa Đồng và hộ bà Trần Thị Đậm ở xã Hòa Thịnh (cùng huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Đây là 2 hộ nghèo, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, hiện gặp rất nhiều khó khăn do đông con, thu nhập không ổn định.
30 hộ gia đình, 30 hoàn cảnh, không ai giống ai. Nhưng điểm chung của họ là ao ước về một ngôi nhà lành lặn ấp ủ nhiều năm chưa thành sự thật. Giờ đây, với sự tài trợ của Eximbank, thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, niềm ao ước ấy sắp thành hiện thực. Trao đổi với chúng tôi, ông Cúc nghẹn ngào: “Nếu không có chương trình thì có lẽ ước muốn sửa sang, xây mới căn nhà của tôi sẽ không bao giờ thành hiện thực…”.
Chia nhỏ khó khăn
Có được mái nhà che nắng, che mưa không chỉ là sự mong mỏi của bản thân người nhận mà còn là của bà con dòng tộc, hàng xóm, đồng đội cũ… Số tiền mà chương trình tài trợ có thể chưa hoàn thiện được một ngôi nhà trong thời điểm vật giá tăng cao như hiện nay. Nhưng từ số tiền này, các gia đình có thể đặt những viên gạch đầu tiên cho phần móng của ngôi nhà để từ đó có thêm động lực thực hiện mơ ước của mình thông qua sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, đồng đội, người thân, xóm giềng...
“Khó khăn chia ra - nhỏ đi rất nhiều; Niềm vui chia ra - nhân lên rất nhiều. Nếu không có những viên gạch nhỏ hôm nay thì không thể có động lực để chắt chiu, góp công xây nên những ngôi nhà tương lai”. Đó là cảm xúc của bà Phan Thị Nguyên, Trưởng ban Dân vận - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Diễn Châu, Nghệ An.
Để mang đến niềm vui trọn vẹn cho người thụ hưởng công trình, những người làm chương trình tại địa phương không bao giờ để thất thoát một đồng từ nguồn tài trợ từ thiện để xây nên những ngôi nhà nghĩa tình đúng đối tượng. Nguồn tiền mà Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn tài trợ đã trở thành điểm tựa, đòn bẩy để giúp các căn nhà khang trang hơn. Thực tế đã có nhiều căn nhà, khi hoàn thành, giá trị đã lên đến con số hàng trăm triệu đồng.
Hơn 1.000 căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” đã hình thành theo phương thức đó, thành quả không chỉ của những người thực hiện chương trình mà còn là sự cộng hưởng tinh thần vì cộng đồng của rất nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui vô bờ khi khởi công các căn nhà mới, trong chúng tôi vẫn đau đáu nỗi băn khoăn vì còn hàng ngàn hồ sơ khác đang chờ nguồn tài trợ. Những cuộc điện thoại với những câu hỏi khó trả lời: “Bao giờ bác có nhà?”, sao cứ ngày càng nhiều thêm?…
Việt Nga - Phú Khuynh