Cuối tuần qua, trao đổi với báo chí về vấn đề kết quả điểm môn sử thấp trong kỳ thi đại học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã cho rằng đó là điều dễ hiểu vì trong thời đại hiện nay, khi tiếng nói của khoa học lịch sử ít đi, khi mà cơ hội việc làm từ ngành nghề liên quan đến sử không hấp dẫn đã khiến học sinh không còn chú trọng học sử. Vấn đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc có cách lý giải riêng của mình trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP.
- PV: Thưa ông, ông có quan tâm đến vấn đề đang gây chú ý của dư luận gần đây, đó là điểm thi đại học môn sử quá thấp?
Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC: Đương nhiên tôi quan tâm. Ai cũng biết đó là chuyện tồn tại từ lâu, cách đây mười mấy năm báo chí đã đề cập đến chuyện này. Và đến nay, sau nhiều năm, vấn đề không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn. Dư luận xã hội nói nhiều, giới sử học chúng tôi, trong đó có các thầy giáo dạy sử, cũng thảo luận, băn khoăn nhiều.
Nhưng có thực tế mười mấy năm nay, chương trình giáo dục không thay đổi, SGK lịch sử cũng gần như không thay đổi mấy thì làm sao có tác động trực tiếp vào việc học của học sinh. Nhưng đấy chỉ là một nguyên nhân chúng ta muốn cố gắng tìm trong hệ thống giáo dục. Nhưng quan trọng hơn đây là câu chuyện xã hội. Giống như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nói, vấn đề điểm sử thấp không chỉ riêng ở Việt Nam. Ngay những nước phát triển mạnh, như Mỹ chẳng hạn, nơi người dân có trình độ dân trí cao, phương tiện nhiều thế nhưng vẫn rơi vào tình trạng này.
Nếu chúng ta coi lịch sử chỉ là một bộ nhớ, quan tâm đến lịch sử theo kiểu chỉ đánh đố trí nhớ thì hiệu quả sẽ không cao. Tất nhiên nhớ kiến thức là cần thiết, việc đánh đố có thể tạo ra cảm giác vui vẻ. Nhưng lịch sử không phải chỉ là nhớ. Không dạy theo kiểu nhồi nhét, nhưng phải bảo đảm học sinh vận dụng kiến thức, tiềm năng của mình như thế nào để con người phải có hoài bão, có mưu sinh. Các em học sinh đầu tư cũng phải có tính toán. Bây giờ có doanh nghiệp nào đó cam kết thí sinh thi nhất môn sử, trả lương 3.000 USD/tháng chẳng hạn, tôi tin chắc sẽ có nhiều em theo sử.
Hiện nay học sinh phải học ngoại ngữ, tin học, vì không giỏi những thứ đó không kiếm được tiền. Các em có quyền được đầu tư theo lợi ích của các em, trong khi hệ thống giá trị hiện tại không thể khuyến khích các em học sử. Nếu nhìn vào lương bổng, phân công công việc trong xã hội thì sẽ thấy rất rõ. Tôi đã từng cố gắng thuyết minh với các em học sử là rất cần thiết, vì sử không chỉ giúp các em làm nghề sử, mà có thể làm nhà báo, làm chính trị, kể cả làm khoa học mà tư duy về sử tốt thì cũng có lợi. Thế nhưng, không thể thuyết phục được các em, vì không nhìn đâu xa, thầy cô giáo dạy sử thuộc người nghèo nhất, ít cơ hội nhất.
Nhưng theo tôi kể cả điều này cũng không hề đơn giản, vì ngay việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy sử ở các trường đại học cũng rất khó khăn. Tôi biết có nhiều thầy cô dạy sử nhưng chưa hề đặt chân đến Điện Biên Phủ, vì thế chỉ dạy theo SGK, mà SGK thì cũng có nhiều vấn đề phải thay đổi.
- Vậy theo ông, ngoài vấn đề của giáo dục thì tính xã hội trong câu chuyện điểm sử thấp là gì?
Đó là điều mà tôi rất muốn nhấn mạnh. Khi chúng ta dạy rất nhiều điều tốt đẹp về lịch sử trong nhà trường thì ra đường, các em không thấy điều đó. Chúng ta nói về di sản này di sản kia, nhưng khi các em đến nơi chỉ thấy việc lấn chiếm di tích, ăn cắp cổ vật... thử hỏi làm sao các em thấy được giá trị của lịch sử. Vì vậy, đây là câu chuyện của tổng thể xã hội chứ không riêng việc dạy sử. Mặc dù giới sử học rất day dứt, cảm thấy mình có lỗi phần nào ở đây nhưng đúng là chúng ta phải có sự thay đổi một cách toàn diện thực trạng này.
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận cách dạy sử hiện nay cần phải thay đổi và cho rằng, ngành giáo dục và Hội Lịch sử phải ngồi lại với nhau để bàn về sự thay đổi này?
Không phải chúng tôi chưa từng ngồi lại với nhau, nhưng để thay đổi một cơ chế khó lắm. Ví dụ ai cũng thấy SGK hiện nay có vấn đề, nhưng nói mãi mà có thấy ai thay đổi đâu, vẫn là một bộ SGK, vẫn theo chỉ đạo. Chỉ đạo là cần thiết nhưng tạo ra được một cơ chế để đưa ra một bộ SGK hay nhất, hấp dẫn nhất chúng ta vẫn chưa có. Trong khi các nước đều có nhiều bộ SGK khác nhau, miễn là chương trình chuẩn và quy trình đánh giá chuẩn để tạo sự phong phú.
- Cá nhân ông đề xuất gì về việc thay đổi cách dạy và học sử ở Việt Nam?
Đề xuất cá nhân là rất khó vì như tôi nói, đó là cả một cơ chế. Nhưng ít nhất làm sao để các em học sử cảm thấy được hấp dẫn. Hướng của chúng tôi là nên coi sử học là ngụ ngôn chứ không phải là tri thức chính xác, vì để chính xác các em có thể tra mạng bất cứ lúc nào. Ngụ ngôn là để các em hiểu rõ ý nghĩa sâu xa của các sự kiện lịch sử. Vì vậy, sử học có 2 thuộc tính rất quan trọng: sự trung thực và công bằng. Cần thực sự công bằng trong đánh giá từng giai đoạn lịch sử để hấp dẫn học sinh, còn nếu chỉ lải nhải những điều mà các em chưa tin thì sử học sẽ không thể hấp dẫn được, thay vào đó lại là sự khổ sai về trí nhớ.
- Có ý kiến bức xúc về hiện trạng dạy và học sử đã đề xuất nên tăng thời lượng môn sử trong chương trình học, thậm chí cần đưa cả môn sử vào thi khối A để buộc học sinh phải học sử?
Mỗi nước có một cách học sử khác nhau. Mỹ chẳng hạn, học sử theo cách thảo luận là chính, qua thảo luận học sinh sẽ tìm ra trong từng sự kiện lịch sử đó mang lại ý nghĩa gì, kể cả tích cực lẫn tiêu cực, từ đó tạo ra phương pháp tư duy về lịch sử. Nếu bắt học sinh phải nhớ hết các sự kiện lịch sử với rất nhiều chi tiết thì rất khó khăn. Cho nên theo tôi nhất định phải thay đổi cách dạy sử hiện nay, tuy nhiên phải có lộ trình chứ không thể đảo lộn quá lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Phan Thảo thực hiện