Sau 8 năm nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ xây dựng dự án nhà vườn Long Thuận ở quận 9, TPHCM, ngày 8-2, nhà thiết kế - họa sĩ Sĩ Hoàng (ảnh) sẽ khánh thành, đưa vào hoạt động khu nhà vườn rộng 20.000m². Đây được xem là một công trình văn hóa xanh - sạch, thân thiện với môi trường thiên nhiên… Trước giờ “G”, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng người đầu tư làm nên khu nhà vườn này.
- 8 năm trở về làm nông dân để thực hiện cho mình một dự án nhà vườn, vậy khi nào công trình của anh sẽ hoàn thành?
Nhà thiết kế-họa sĩ SĨ HOÀNG: Theo như dự án của tôi thì thêm 5 năm nữa công trình mới hoàn thành. Tuy nhiên, ngày 8-2 này, tôi sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án. Từ một thửa ruộng phèn, trũng, sát kênh rạch, mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa và phương tiện đi lại bằng ghe, tôi đã đầu tư 2 triệu USD để làm nên nhà vườn.
Tôi nghĩ, thành phố rồi cũng sẽ mở rộng, đất thì vẫn có bấy nhiêu thôi, nhưng con người thì ngày càng nhiều thêm. Hơn nữa, lâu nay tôi luôn mơ có được một căn nhà bên sông, rạch. Những ngày đầu cải tạo đất phèn phải dùng leng để đào đất trồng thơm… Điều thú vị là khi làm những công việc này, tôi đã đi gặp các nông dân, kỹ sư nông nghiệp, rồi đọc sách, nhờ vậy mà tôi dung nạp được rất nhiều kiến thức về nông nghiệp để trồng thơm và khử phèn, trồng các loại bầu, bí, rau thơm, đậu bắp, lúa... xanh tốt, trông mát mắt.
- Từ một vùng trũng, anh đã cải tạo thành một khu vườn xanh đẹp như thế, hẳn anh đã bỏ ra rất nhiều công sức?
Tôi không nhớ được là mình đã đắp bao nhiêu ghe cát, đất nữa. So với trước đây, hiện giờ nhà vườn đã được nâng lên 1m. Trong khu vườn tôi đào 1 cái hồ rộng 5.000m² để tạo cảnh quan và lấy đất đó bồi đắp cho những chỗ khác. Lâu nay, nhiều người chỉ biết Sĩ Hoàng là một nhà thiết kế, chứ riêng mình, tôi luôn đùa “Sĩ Hoàng đã trở thành một nông dân từ lâu rồi”. Gầy dựng nên khu vườn, tôi mới thấm thía về cảnh vất vả của người nông dân. Giờ đây, nước da của tôi cũng đen thùi lùi như một nông dân và chỉ thích mặc thường phục là áo bà ba, trừ phi đứng lớp giảng dạy mới mặc quần tây, áo sơ-mi. Tôi cũng bắt đầu biết về nông dân nhiều hơn…
- Dự án nhà vườn có sân khấu trên mặt hồ Chân Lạc (rộng 5.000m²) có phải nhằm mục tiêu phục du khách tham quan?
Mục tiêu chính của tôi là giáo dục. Nhiều người sẽ nghĩ: “Ông Sĩ Hoàng này làm thời trang đã rồi bây giờ làm giáo dục cho nó sang”. Nhưng sự thật không phải vậy. Từ năm 16 tuổi, khi đang học lớp 10, tôi đã tham gia dạy xóa mù chữ cho lớp 3 ở Trường Tân Định, gần chợ Tân Định. Những người học là các em bé cho đến người lớn tuổi, đa phần là buôn bán ở chợ. Lúc đó tôi mượn chiếc xe đạp của mẹ có cái giỏ phía trước để đi dạy tình nguyện.
Sau giờ học, trong giỏ xe của tôi luôn chất đầy, khi thì trái bầu, bí, lúc thì cái bánh tráng, bánh ú…, lâu lâu lại được miếng thịt, con cá. Khi hỏi, cái này của ai thì chẳng ai nói gì, chỉ nhìn nhau cười. Rồi có dì lên tiếng “Tôi biết thầy đi dạy không có lương, mà tụi tui thì ban ngày đi bán, nhín một chút cho thầy, vì thầy đã dạy chữ cho tụi tui”. Điều ấy khiến tôi vô cùng cảm động. Từ đó, tôi nghĩ, sau này khi học đại học dù học nghề gì, tôi vẫn luôn ưu tiên chọn nghề sư phạm… Vì vậy, lúc thực hiện dự án này, tôi lại tiếp tục việc giáo dục. Nhà vườn tuy mang tính chất là trường, nhưng là trường ngoại khóa, là nơi mà hàng năm các sinh viên của Trường ĐH Kinh tế hay các trường nghệ thuật đều có thể về thực tập.
- Anh chú trọng đến giáo dục, vậy những chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách của nhà vườn thế nào, đặc biệt là khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống của Việt Nam?
Tôi muốn giới thiệu với các em học sinh, cũng như du khách một chương trình nghệ thuật đỉnh cao của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tôi nghĩ đơn giản, với một em nhỏ, lúc đầu mình cho ăn một que kem ngon, lần sau cho ăn một que kem dở, chắc chắn bé sẽ không ăn. Vật chất đã thế thì văn hóa tinh thần cũng vậy. Ngay từ đầu, tôi muốn các bạn nhỏ được xem những cái gì đặc sắc nhất, in sâu vào nhận thức của các em để khi sau này, nếu xem những chương trình nhảm nhí, yếu kém thì các em sẽ đủ sức đề kháng và loại bỏ.
Trong tương lai, tôi sẽ có những suất biểu diễn theo đơn đặt hàng của các công ty du lịch và chương trình cũng sẽ giới thiệu những gì đặc sắc nhất của văn hóa Việt Nam mà các nghệ sĩ chúng tôi từng diễn ở Điểm Một Thời. Trong năm 2010, tôi cũng sẽ tổ chức chương trình Gala áo dài tại khu nhà vườn để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
- Cảm ơn và chúc anh thành công!
Đỗ Hạnh (thực hiện)