Hoa hòe, hoa sói có thể lúc này, lúc kia thu hút được sự chú ý của mọi người song khoảnh khắc đó cũng qua rất nhanh, chẳng để lại dấu ấn gì. Chỉ có cái đẹp bắt nguồn từ cái thiện và sự chân thật mới tồn tại. Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người đã khai sinh cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong, cuộc thi người đẹp có quy mô quốc gia đầu tiên của Việt Nam, đã nói về bản thảo tập 3 cuốn “Hoa hậu Việt Nam - những điều chưa biết” đang được ông hoàn thiện và chuẩn bị cho ra mắt bạn đọc vào cuối năm nay như vậy.
- PV: Viết về bí mật hậu trường đồng nghĩa với việc luôn phải sẵn sàng đối mặt với rất nhiều ý kiến phản hồi của những người trong cuộc. Ông đã tiếp nhận điều này như thế nào?
Nhà thơ DƯƠNG KỲ ANH: Đây là cái khó mà khi viết cuốn sách này tôi luôn phải đối mặt. Một bên là mong muốn được đưa tới cho người đọc cái nhìn chân thực nhất phía sau hậu trường của các cuộc thi sắc đẹp, song mặt khác, tôi luôn phải cân nhắc ngòi bút sao cho những người trong cuộc cảm thấy hình ảnh của họ không bị khai thác. Không phải bí mật nào cũng đều gây “sốc”.
Năm 1992, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được mời tham gia thành phần BGK cuộc thi hoa hậu Tiền Phong. Tôi biết rõ nhạc sĩ vô cùng cảm tình với một thí sinh tham dự vòng chung kết hoa hậu năm đó và chủ ý xem, liệu tình cảm riêng tư ấy có chi phối đến công việc của người cầm cân nẩy mực như ông không. Song khi vào việc, nhạc sĩ rất khắt khe và nghiêm túc với đúng chức trách mà mọi người đã tin tưởng giao cho ông. Lúc đó, tôi càng thấm hiểu ý nghĩa của câu nói “Một tài năng lớn sẽ có nhân cách lớn”… Nhưng cũng không thể phủ nhận việc nhiều người sẽ cảm thấy không được “thoải mái” lắm khi thấy mình trong cuốn sách, dù rằng đó là sự thật.
- Có nhiều bạn đọc tỏ ra thất vọng vì họ mong đợi nhiều hơn những chuyện hậu trường mà 2 cuốn sách trước của ông đã đem lại. Vậy trong lần này, sẽ có nhiều hơn những bí mật được hé lộ?
Chắc chắn là như vậy. Mỗi lần tổ chức thi hoa hậu cũng giống như một lần “lâm trận”, vô vàn nỗi lo mà không thể nào kể xiết. Như cuộc thi HHVN 2008, chúng tôi phải đối diện với nhiều lo lắng như sợ sân khấu do thời gian chuẩn bị quá gấp có thể bị đổ sập, lo trời mưa, lo mái che không đủ sức chống chọi với dông gió... Song những cái lo nhất thì không xảy ra, còn cái không nghĩ đến thì lại xảy ra.
Cuốn sách tôi viết không chủ đích nhằm giật gân, câu khách, điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi lúc này. Các sự kiện, các câu chuyện trong cuốn sách là sự cảm nhận dưới con mắt của nhà thơ Dương Kỳ Anh, chứ không phải là của một tổng biên tập báo Tiền Phong, hay vị trí giám khảo của các cuộc thi sắc đẹp.
Không phải là tất cả, nhưng sẽ có rất nhiều sự thật sẽ lần đầu được đưa ra ánh sáng trong tập sách này.
- Tiêu chí về cái đẹp ở mỗi thời đều có sự thay đổi, tuy không lớn nhưng điều đó cũng làm thay đổi hình ảnh về người đẹp. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Ngày xưa, những hoa hậu đầu tiên của Việt Nam chỉ cao 1,59-1,60m, nhưng bây giờ, khi người Việt Nam cao lên thì chuẩn dành cho hoa hậu cũng thay đổi. Ngay cả trình độ học vấn cũng vậy, trước đây thi hoa hậu có thể chỉ là lớp 9, lớp 10 nhưng nay thì khác. Xét về bản chất thì vẻ đẹp được tôn vinh phải là vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết, không giả tạo màu mè. Nhưng với từng trường hợp cụ thể, con người cụ thể thì không phải dễ tìm ra sự đồng thuận về cái đẹp.
- Có phải vì thế mà dẫn tới nhiều luồng dư luận trái chiều mỗi khi có một hoa hậu mới đăng quang?
Cũng một phần đúng. Hơn nữa, dường như công chúng chỉ nhìn thấy vẻ bề ngoài của các người đẹp trên sân khấu, trong khi BGK là người hiểu tường tận từng điểm mạnh, yếu của mỗi người vì thế sự chênh nhau trong quyết định của mỗi cuộc thi cũng là chuyện thường tình. Có những thí sinh rất xinh đẹp, song trước đêm chung kết lại phát hiện ra có con, có thí sinh cao ráo, duyên dáng nhưng chân lại thiếu ngón...
- Giữa một người con gái đẹp và một người xinh ông chọn ai?
Đẹp thì thường dễ được để ý song tôi lại thích những người xinh bởi trong cái xinh ẩn chứa cả sự duyên dáng, còn “đẹp” chỉ dừng lại ở cái nhìn bề ngoài. Chẳng có vẻ đẹp nào là hoàn hảo cả, ngay cả đến tượng thần vệ nữ, một biểu trưng của cái đẹp, nhưng chỉ cần đi vòng ra phía sau của tượng sẽ có thể nhìn thấy những vết rạn nứt. Với người đẹp cũng thế, họ cũng có cuộc sống đời thường, cũng sẽ va vấp và cái “ngã” của người đẹp thường để lại hậu quả lớn hơn người thường. Đơn giản bởi nhiều người quan tâm, chú ý tới họ, sức ảnh hưởng của họ lớn hơn nhiều người bình thường khác.
Xin cảm ơn ông!
THU HÀ thực hiện