Nhà Trắng với lá bài Israel

Cuộc bầu cử Israel đã mang lại chiến thắng cho đương kim Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhiệm kỳ thứ ba. Đảng Likud Beitenu của ông Neatanyahu dẫn đầu với khoảng 33 ghế tại quốc hội, theo kết quả chưa chính thức. Đáng chú ý là đảng trung dung Yesh Atid mới thành lập lại giành được 18 ghế, về thứ nhì.

Như vậy, tiếng nói của cánh trung dung trong quốc hội sẽ là một cản ngại cho các chính sách cực hữu của Chính phủ Israel. Nhưng vấn đề quan trọng là việc ông Netanyahu tiếp tục cầm quyền sẽ đẩy quan hệ giữa Tel Aviv và Washington thêm khó khăn và một chính phủ cứng rắn của ông Netanyahu sẽ có thêm niềm tin. Theo các nhà phân tích, có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là  khác biệt giữa hai bên trong cách tiếp cận tiến trình hòa bình giữa các nước Ảrập và Israel và thứ hai là chính sách của Israel với Iran.

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Netanyahu có quan hệ không thoải mái với ông chủ Nhà Trắng, nhất là khi Nhà Trắng kêu gọi Israel ngừng ngay kế hoạch mở rộng các khu định cư Do Thái trong khi Israel cứ tiếp tục. Đây chính là cản ngại cho tiến trình hòa đàm Israel-Palestine. Vì vậy, việc cử tri Israel chọn ông Netanyahu có nghĩa là họ chấp nhận bỏ qua cơ hội hòa bình với Palestine, thay vào đó, quyền lợi của những người định cư Do Thái được đảm bảo. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hơn hai phần ba số người Do Thái nhận thấy “không có cơ hội” tiến bộ cho hòa bình với người Palestine trong tương lai gần.

Mặt khác, trong bối cảnh bất ổn liên tục diễn ra sau “Mùa xuân Ảrập” Israel cảm thấy như họ đang ở trong một tình thế bất an vì bất ổn có thể lan tới nước họ. Có lẽ cử tri Israel muốn duy trì ổn định bất chấp quan hệ đồng minh với Mỹ như thế nào đi nữa. Nhưng họ cũng thừa biết Mỹ và Israel cần nhau như thế nào. Vì vậy, họ tin rằng những khó khăn trong quan hệ giữa Tel Aviv và Washington chỉ có tính chất ngắn hạn, tạm thời. Cơ bản Israel vẫn là đồng minh cốt lõi của Mỹ ở Trung Đông.

Do đó, ở nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama, dự báo quan hệ Mỹ-Israel có thể còn một số tồn tại nhưng trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể bỏ mặc tiến trình hòa đàm Israel-Palestine, bỏ mặc những cam kết hòa hoãn với thế giới Ảrập ngay từ khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu để duy trì quan hệ đồng minh với Israel. Điều đó được chứng minh qua việc Mỹ cương quyết bỏ phiếu chống quy chế thành viên quan sát viên của Palestine tại Đại hội đồng LHQ vừa qua.

Nhưng vấn đề là Washington sẽ xử lý như thế nào khi Israel đơn phương tấn công quân sự Iran như đã nhiều lần từng đe dọa trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Ngay sau có thông tin đảng của mình dẫn đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, ông Netanyahu khẳng định một trong những ưu tiên của Chính phủ Israel là giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Hẳn là Washington sẽ theo dõi sát sao mọi động tĩnh từ Israel để có hành động ngăn chặn kịp thời khi mà Washington chưa muốn dùng vũ lực đối với Iran.

Tuy trước mắt, khả năng Israel đơn phương tấn công Iran vẫn chưa xảy ra lập tức vì ông Netayahu còn lo việc thành lập chính phủ mà dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 2. Hơn nữa, tháng 6 sẽ tổng tuyển cử tại Iran nên có lẽ Tel Aviv chờ đợi kết quả này trước khi có bước đi kế tiếp. Nhưng sau đó, chưa ai biết điều gì xảy ra với một chính phủ cứng rắn như kiểu của ông Netanyahu và dù làm Washington “khó ở” nhưng hình như lại luôn được “nuông chiều” vì lợi ích chiến lược của Mỹ tại Trung Đông.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục