
Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM phối hợp với đại diện Microsoft tại Việt Nam vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về nhà trường trong thế kỷ 21. Trên 150 cán bộ quản lý giáo dục ở các quận, huyện và trường học đã tham dự. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo về những vấn đề dư luận quan tâm tại cuộc hội thảo.

Ông Huỳnh Công Minh
- Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát sự khác biệt giữa nhà trường ở thế kỷ 21 và nhà trường hiện nay?
- Ông HUỲNH CÔNG MINH: Nhà trường ở thế kỷ 21 đề cập đến mô hình nhà trường mới hay nói đúng hơn là đề cập đến phương thức đào tạo mới của thời đại, của thế kỷ 21 - vừa tiên tiến hiện đại vừa mang tính cấp bách. Năm 2005 đã đang là thế kỷ 21 rồi, nếu giáo dục Việt Nam không tiếp cận với phương thức đào tạo mới, chúng ta sẽ lâm vào nguy cơ tụt hậu nặng nề!
Hiện nay, so với chính mình, nhà trường Việt Nam nói chung và nhà trường thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã có những bước phát triển to lớn. Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới thì chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều.
Nhà trường hiện đại khác với nhà trường của chúng ta hiện nay trước hết là về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Tiếp đến là hoạt động học và dạy của học sinh và giáo viên; cơ chế quản lý của nhà trường… Cụ thể, cơ sở vật chất và thiết bị đủ để tổ chức học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường với sĩ số trong lớp ít – dưới 30 học sinh/lớp. Thiết bị từ bàn ghế học sinh đến các công cụ nghe nhìn trong lớp và thiết bị thực hành phải đảm bảo cho học sinh có điều kiện hoạt động cá thể và hoạt động theo nhóm khác với cách xếp bàn ghế trong lớp gò bó, khó hoạt động như nhà trường truyền thống xưa nay.
Việc học của học sinh là những hoạt động tích cực và chủ động trong lớp, không thụ động ngồi nghe, ghi chép và học thuộc lòng mà là hoạt động để tự mình quan sát, phát hiện, chiếm lĩnh tri thức, rèn kỹ năng và vận dụng vào thực tế ngay những nội dung học tập vào cuộc sống. Để phục vụ cho cách học ấy của học sinh, hoạt động dạy của giáo viên phải chuyển sang tổ chức, hướng dẫn và đánh giá học sinh trong quá trình giảng dạy không truyền thụ áp đặt một chiều và đối phó với thi cử như hiện nay.
Để tổ chức được nhà trường thực hiện cách học và cách dạy như vừa nêu trên, nhà trường phải có cơ chế quản lý phù hợp, phải giao quyền chủ động rất lớn cho giáo viên trong việc quyết định các phương pháp hướng dẫn, chọn lựa các hình thức tổ chức học sinh học tập phù hợp và đánh giá học sinh trong quá trình dạy học không đợi đến khi thi cử. Phải tạo điều kiện tốt cho giáo viên đầu tư lao động ngành nghề; giáo viên có điều kiện học tập bồi dưỡng không ngừng nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn; đồng thời phải thực hiện cơ chế hiện đại để đánh giá lao động giáo viên không nặng nề về hình thức và thiếu chính xác như hiện nay.
Mặt khác về nội dung dạy học, nhà trường hiện đại phải thực hiện tích hợp, ít môn nhưng sát yêu cầu cuộc sống hơn là nhiều môn mà quá hàn lâm kinh điển xa rời thực tế.
- Xin ông nói rõ hơn về ý nghĩa của sự đổi mới nhà trường?
- Chúng ta đều biết rằng, giáo dục thế giới trong thế kỷ 21 đang theo đuổi 4 mục tiêu quan trọng của nhà trường là tổ chức học để biết, học để làm, học chung sống và học để khẳng định mình. Về lĩnh vực nhận thức của con người được xác định với 6 mức độ của quá trình học tập là biết, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp và đánh giá. Vì thế, nhà trường hiện đại phải coi hoạt động học tập của học sinh là trung tâm, là yếu tố quyết định cho sự tiến bộ, cho sự phát triển của quá trình học tập. Người học phải tự học, phải tự rèn thì việc đạt được đỉnh cao của bậc thang tri thức mới vững vàng và đáp ứng được các mục tiêu của giáo dục thời đại.
Nói dạy học lấy học sinh làm trung tâm không có nghĩa là làm giảm nhẹ vai trò của thầy cô giáo, mà trong nhà trường hiện đại, người giáo viên có vị trí cao hơn nhiều so với phương thức dạy học vốn có. Giáo viên không thể là thợ dạy mà là nhà thiết kế, gợi mở, hướng dẫn cho học sinh chủ động, tích cực đi đến đích một cách thông minh và sáng tạo.
- Những biện pháp cụ thể mà ngành giáo dục-đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện để hiện đại hóa nhà trường là gì ?
- Trước hết là tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo chỗ học cho con em nhân dân theo hướng giảm sĩ số / lớp và tăng thời lượng thực hành trong nhà trường. Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình giáo dục phổ thông, cải tiến thi cử đánh giá. Thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả Hội đồng chuyên môn của ngành, tạo cơ chế mới trong việc thực hiện chương trình cải tiến tại địa phương. Xây dựng chế độ tu nghiệp cho giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu tự chủ, quyết định phương thức đào tạo và đánh giá đúng học sinh trong quá trình dạy học.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng đổi mới nhà trường ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay?
- Có rất nhiều triển vọng trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay. Triển vọng đó của nhà trường thành phố Hồ Chí Minh dựa trên 3 thế mạnh rất cơ bản, đó là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố về mức độ đầu tư so với các tỉnh thành bạn. Cụ thể nhất là việc xây dựng trường lớp và thực hiện quy hoạch giáo dục ở từng quận huyện, luôn động viên khuyến khích nhà trường thực hiện tốt cơ chế mở để phát triển đáp ứng với yêu cầu phát triển của xã hội.
Bên cạnh đó, điều kiện tiếp nhận thông tin và tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến thế giới và khu vực của thành phố Hồ Chí Minh thuận lợi và nhanh chóng hơn các địa phương khác. Về lực lượng sư phạm, cán bộ quản lý và giáo viên thành phố Hồ Chí Minh có trình độ, nhiệt tình và tha thiết với sự đổi mới, hiện đại hóa của ngành.
- Xin cảm ơn ông.
MỸ DUNG