
Âm thầm xuất hiện trong làng điện ảnh Việt Nam, năm 2005, tên tuổi Đoàn Minh Phượng nổi bật với tư cách đồng đạo diễn cùng người em trai Đoàn Thành Nghĩa qua bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu”. Mới đây, tác phẩm “Và khi tro bụi” (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng đã đoạt Giải thưởng văn học năm 2007 của Hội Nhà văn Việt Nam.
- PV: Phim truyện đầu tay “Hạt mưa rơi bao lâu” của chị đoạt nhiều giải thưởng từ các Liên hoan phim quốc tế nổi tiếng và tiểu thuyết đầu tay của chị vừa đoạt giải thưởng văn học tại Việt Nam, chị sẽ chọn tiếp theo con đường nào: văn chương hay điện ảnh?

- Nhà văn - đạo diễn ĐOÀN MINH PHƯỢNG: Thực sự, tôi cũng bị giằng co từ câu hỏi này của chính mình. Đây là một mâu thuẫn lớn khi bản thân mình thích chọn con đường nghệ thuật quá chông gai. Điện ảnh hay văn chương đều có sức hút riêng, có sự thể hiện khác biệt, nhưng theo tôi vẫn có một điểm chung là cách kể những câu chuyện. Trong cuộc sống, nếu có trải nghiệm, ai cũng muốn được thể hiện bằng những câu chuyện kể.
Có điều, kể như thế nào là tùy nghề nghiệp, tùy lứa tuổi, tùy sở thích, tùy sở trường… Ngôn ngữ điện ảnh dễ tạo cảm xúc tức thì cho người xem nhờ tính chất nghệ thuật tổng hợp của nó qua diễn xuất của diễn viên, phục trang, không gian, bối cảnh trong phim, ánh sáng, âm thanh v.v…
Ngôn ngữ văn chương đòi hỏi sự nghiền ngẫm và thẩm thấu của nghệ thuật ngôn từ, câu chữ trong không gian vô hình. Nhưng làm phim thì các bạn biết rồi đấy, kinh phí bỏ ra để thực hiện một tác phẩm điện ảnh không phải nhỏ!
- Cách kể chuyện của chị trong “Và khi tro bụi” thiên về cảm xúc hơn là mô tả. Quyển tiểu thuyết có cấu trúc truyện lồng truyện, gợi mở như những con búp bê Nga lồng vào nhau, rồi liên tục được mở ra, chị nghĩ sao khi có bạn đọc cho rằng đó là cách thể hiện mới lạ?
- Tôi lại nghĩ không có gì mới lạ. Trái lại, theo tôi, cách kể chuyện của mình cũng khá… xưa, khá cổ điển! Cách kể có phần giống thủ pháp nghệ thuật tác phẩm Trong rừng trúc của nhà văn Nhật Bản, Akutagawa. Nghĩa là, nó cũng có cốt truyện, có không gian, có thời gian và những nhân vật của tôi đều có số phận, có sự lựa chọn, có sự đi tìm những điều gì họ quyết tâm hướng tới. Nhân vật tôi - người phụ nữ trong truyện từ nỗi hoang mang khi người chồng tử nạn trong một tai nạn xe cộ đã hết sức đau khổ và cảm thấy cuộc sống trống vắng, vô vị. Người phụ nữ nghĩ đến cái chết và chọn lựa cuộc hành trình đi tìm cái chết trên những chuyến tàu bình thường nhưng tưởng như vô định. Tâm trạng nhân vật mơ hồ, hoang mang và luôn tự vấn “mình là ai”.
Chính trong cuộc hành trình của mình, chị lại bắt gặp cuộc đời, số phận của những người khác. Và, cũng từ những cuộc đời, số phận của người khác, đã giúp chị tự đối chiếu, so sánh thân phận và tìm lại cội nguồn ngỡ như đã bị xóa sạch suốt hàng chục năm trời. Đó cội nguồn của một đứa bé gái Việt Nam mồ côi, lạc loài, bị đánh mất tuổi thơ và cả quê hương trong những năm tháng chiến tranh…
- Cái khó nhất cũng chính là cách kể chuyện của người viết, chị nghĩ sao về kinh nghiệm này?
- Tôi cho rằng phải tự đặt mình vào vị trí người đọc mới mong cắt nghĩa được điều gì. Đọc một tác phẩm văn học tôi thử xem mình có bị “rơi”, bị “thả” vào cái không gian, thời gian của tác phẩm người ta đã viết hay không. Đôi lúc, tôi đã thực sự bị “rơi” vào tác phẩm và đã sống cùng thế giới nhân vật; suy nghĩ về họ bằng sự rung động và đồng cảm. Cho nên, nếu mình viết một câu chuyện và có thể kéo được độc giả thâm nhập vào truyện, vào không gian, thời gian, coi như mình đã thành công phần nào.
Trong tác phẩm, các nhân vật của tôi đều có cách cắt nghĩa về thân phận của mình một cách khác nhau; cách kể chuyện gần như trái ngược theo sự cảm nhận và chọn lựa cuộc sống, chọn lựa tình yêu của họ. Có khi họ phủ nhận người khác một cách dứt khoát, chối bỏ quá khứ, chối bỏ lịch sử, văn hóa mà không cần điều hợp lý hay bất hợp lý…
- “Và khi tro bụi” là sự trải nghiệm của tác giả, chị có thể hé lộ một chút về bản thân?

Đoàn Minh Phượng và em trai Đoàn Thành Nghĩa tại LHP Las Palmas Tây Ban Nha, 3-2006.
- Tôi sinh ra ở Sài Gòn, cha mẹ gốc gác miền Trung. Sang Đức định cư từ năm 1977, có một thời tôi sống ở Bonn, một thời sống ở Cologne. Hồi nhỏ tôi mê âm nhạc vô cùng và có ý định sống chết với âm nhạc. Năm 14 tuổi, tôi học đàn piano với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu. Năm 20 tuổi, sang Cologne, tôi tiếp tục học nhạc nhưng rồi… “gãy”! (giống như chuyện học đàn của cô gái trong tác phẩm Và khi tro bụi).
Cuối cùng, tôi chuyển sang học nghề phim, làm phim tài liệu cho một đài truyền hình ở Cologne và viết báo, viết văn. Chính trong thời gian 15 năm làm việc cật lực với nghề phim, đi qua nhiều quốc gia trên thế giới đã thôi thúc tôi nghĩ đến phải thực hiện một phim về đất nước, về quê hương cội nguồn của mình. Bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu được nhen nhóm từ ý tưởng đó.
Còn chất liệu trong tiểu thuyết Và khi tro bụi phảng phất rất nhiều công việc thực tế đi dạy và làm báo của tôi. Trong thời gian thực tập tại một viện mồ côi, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với trẻ em Đức, trẻ em các nước trong đó có cả trẻ em Việt Nam. Tình cảnh và tình cảm của trẻ em mồ côi thật phức tạp, đáng thương. Rất nhiều cuộc đời, nhiều số phận lạ kỳ của bọn trẻ khó thể kể hết…
- Công việc và dự định của chị hiện nay?
- Tôi có dự định tiếp tục làm phim. Tất nhiên, kinh nghiệm làm phim vừa qua rất quý giá, bởi nó sẽ giúp mình hoàn thiện mọi điều tốt hơn. Tôi vẫn hy vọng tìm được một dự án tốt để làm phim. Trong gia đình, rất may anh chị em đều có máu mê văn chương nghệ thuật, thích viết văn, thích làm phim. Trở lại Việt Nam hơn 10 năm nay, anh chị em chúng tôi đã góp sức cùng gia đình khôi phục xưởng gỗ của ông nội ở Hội An. Đó cũng là một phần hoạt động trong cuộc sống kinh tế gia đình hiện nay của chúng tôi.
- Xin cảm ơn chị.
KIM ỬNG