
Bởi vì nhiều tài, đa dạng trong sáng tác và cũng để gọn nhẹ, nhanh nhẹn như con người anh, cái tên Lê Văn Điệp trở thành nhà văn Lê Điệp quen thân. Quê ở Quảng Ninh nhưng chính đất cảng Hải Phòng là nơi anh thành danh và khẳng định mình. Lê Điệp viết thơ, viết văn, viết kịch, làm báo. Về Hãng phim Giải Phóng và Đài Truyền hình, Lê Điệp không chỉ biên tập mà còn viết nhiều kịch bản phim…
Nhà văn Lê Điệp nói: “Tôi chưa bao giờ nhận mình là nhà văn, nhà thơ. Với tôi, những danh xưng ấy thiêng liêng lắm”!

Nhà văn Lê Điệp (áo trắng ngắn tay) cùng người thân, bạn bè tại bia “Tưởng niệm văn nghệ sĩ” ở Quảng Nam.
– Nhà văn, nhà thơ “Với tôi, những danh xưng ấy thiêng liêng lắm”. Có lẽ do quan niệm đó, mà cho đến bây giờ, Lê Điệp vẫn xê dịch và rong ruổi, tìm kiếm… để khẳng định mình. Sinh ra trong một gia đình công nhân, đông anh em, Lê Điệp phải kiếm sống. Anh làm công nhân sà lan, công nhân xây dựng, công nhân bốc vác… đủ nghề.
Quê ở Quảng Ninh, anh sinh sống tại Hải Phòng. Anh lên núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc, về Hà Nội, và vào Nam chiến đấu. Bước chân anh đã mòn gót khắp mọi miền quê hương Việt Nam. Lê Điệp là con người ham đi, khám phá và hiểu biết. Vật lộn với cuộc sống, Lê Điệp là một mẫu hình cho sự lạc quan, yêu đời.
Lê Điệp là nhà văn – nhà báo đúng nghĩa!
Thời đó, cuối những năm 60 và đầu những năm 70 của thế kỷ trước, có một dòng văn học đất cảng rất sôi nổi với những tên tuổi như Đào Cảng, Thi Hoàng, Văn Thính, Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… dưới sự dẫn dắt của nhà văn Nguyên Hồng (Chủ tịch Hội VHNT Hải Phòng) và nhạc sĩ Trần Hoàn (Giám đốâc Sở VH-TT Hải Phòng)… Lê Điệp trưởng thành từ đây.
Bước quyết định nhất của cuộc đời sáng tác là cho dù đã học khóa 3, anh vẫn xung phong học tiếp khóa 4, lớp viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam để đi vào chiến trường miền Nam (B2 - Nam bộ).
Có những nhà văn, người ta biết và thích tác phẩm nhưng ngại tiếp xúc. Lại có những nhà văn người ta thích đọc và thích gặp gỡ trò chuyện. Nhà văn Lê Điệp thuộc dạng khác. Người ta thích gặp gỡ và trò chuyện, không cần biết họ có tác phẩm gì, chỉ cần biết đó là nhà văn chính hiệu. Đó cũng là điều đặc biệt. Lê Điệp quen biết và chơi thân với nhiều người, nhất là cánh văn nghệ sĩ.
Hồi mới giải phóng, căn nhà 84 Huỳnh Tịnh Của (TPHCM) của anh trở thành Hội quán văn chương của thành phố. Từ nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm, NSND Ngọc Thủy, nhà thơ Hải Như… cho đến ca sĩ Thái Thanh, nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết, Hồ Điệp, Lệ Thu, Mỹ Phụng và các sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp hay một cô bạn đọc ở Củ Chi, Hà Tiên, Phú Thọ, Bình Phước… đều tìm về nhà anh.
Lê Điệp có biệt tài, hôm nay nghe chuyện bạn kể, ngày mai kể lại bạn nghe, mà bạn cứ ngỡ ngàng, vừa thấy quen quen vừa thấy hấp dẫn lạ lùng. Người ta nói vui rằng, Lê Điệp “sinh lầm thế kỷ”. Nếu như trước đây khi văn chương truyền miệng còn thịnh, thì Lê Điệp sẽ là nhà văn hùng biện, kể chuyện… tuyệt vời biết bao!? Cũng vì lẽ đó chăng mà suốt đời Lê Điệp đi, tìm kiếm và viết mọi thể loại… Như là để thể nghiệm mình và nói như ngôn ngữ ngày nay là để tiếp cận thế giới bằng phương pháp hòa mạng.
Về thơ anh có tập “Vùng đất yêu thương” (1975). Về văn có “Tín hiệu màu xanh” (1976), “Người lái xe có con chim họa mi” (1981). “Gương mặt tìm kiếm” (1983)… Về kịch bản phim có “Con gái ông thứ trưởng”, “Khoảng vượt”, “Bóng đen trên mái nhà”, “Thầm lặng”… và hàng ngàn bài báo, hàng trăm kịch vui “Trong nhà, ngoài phố”, “Gala cười”…
Cùng như nhà báo Cao Xuân Phách, chúng tôi là người em đúng nghĩa của anh Sáu Lê Điệp. Chúng tôi coi nhau như anh em một nhà với nhiều nghĩa - học chung lớp viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam, ra chiến trường cùng ngày, làm việc cùng cơ quan, ở cùng một nhà, ăn cùng mâm…
Từ một công nhân trở thành nhà văn; là nhà văn, anh thử sức mình trong nhiều thể loại và ít nhiều thành công. Lê Điệp luôn muốn vươn lên hồn nhiên và đón nhận cái mới cái lạ. Anh có khát khao cháy bỏng và nồng nàn. Đã đến lúc anh kiểm nghiệm lại mình và cho ra đời những sáng tác tâm đắc nhất. Lê Điệp đã có tất cả, vốn sống dồi dào và tay nghề vững chãi, biết tiếp cận và… hòa mạng. Và công chúng mong chờ không uổng công!
Một nhà thơ thành công ở thể loại thơ tự do, bỗng cảm hứng viết những câu lục bát khi gặp Huế: “Anh xin quỳ giữa sân chầu/Dâng lên em cả một bầu tâm tư”. Mới đây, anh lại vui vẻ nói rằng, anh đã và đang sáng tác thơ haiku (một thể loại thơ của Nhật Bản). Bởi vì thơ ngắn, chất chứa nhiều ý nghĩa… Âu đó cũng là một nét trong tính cách, phong cách văn chương Lê Điệp!?
VŨ ÂN THY