Đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà văn Lê Minh Khuê (ảnh) chọn cho mình cách sống cân bằng, không ồn ào, không bon chen và thư thái. Có lẽ vì thế mà những truyện ngắn của bà, từ Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ hay Nhiệt đới gió mùa… chủ yếu viết về chiến tranh nhưng lại gần gũi, chân thực và ám ảnh người đọc. Ký ức chiến tranh cũng có thể là một món nợ và buộc bà phải cầm bút.
* PV: Chiến tranh là đề tài không bao giờ thiếu trong văn Lê Minh Khuê ở bất kỳ giai đoạn sáng tác nào. Có người nhận xét rằng mọi ký ức quan trọng nhất trong cuộc đời vẫn còn lại trong trí nhớ của Lê Minh Khuê, chỉ đợi được bà viết ra trang giấy?
* Nhà văn LÊ MINH KHUÊ: Tôi viết về chiến tranh giống như một món nợ, bởi mình đã từng trải qua nó, đã nếm trải, chứng kiến quá nhiều điều khốc liệt. Trên thế giới, cuộc chiến tranh nào cũng đem lại mất mát nhưng ở Việt Nam có nhiều người trẻ tuổi hy sinh và tôi cảm thấy như đang mắc nợ họ.
* Dường như giờ đây, những cây bút trẻ ít đả động tới đề tài này. Đó là do họ không có trải nghiệm hay đề tài về thời chiến không còn là mảnh đất màu mỡ với người viết?
* Viết về chiến tranh rất khó. Không phải anh ở trong trận đánh cụ thể là sẽ viết được mà chiến tranh phải khai thác từ nhiều phía để sau này người đọc hiểu được, cảm được chiến tranh vô cùng khốc liệt nhưng nó không có mặt bi lụy. Viết về chiến tranh cần phải có tài năng. Ở Liên Xô, nhiều năm sau chiến tranh, người ta vẫn viết về chiến tranh rất hay. Có lẽ một phần cũng nhờ họ đã có một độ lùi nhất định để viết về nó.
Thế hệ của tôi bây giờ muốn viết về chiến tranh thường bị trói buộc bởi nhiều thứ. Trói buộc trong suy nghĩ, trói buộc bởi những ký ức về khói bom, súng đạn…, mình đã trải qua và cả những trói buộc ở thực tại với những suy nghĩ không đủ sức để tiếp tục theo đuổi đề tài này. Nỗi ám ảnh về chiến tranh quá lớn, đã có những câu chuyện tôi chưa dám đưa vào tác phẩm của mình, vì sợ rằng nó sẽ để lại cho người đọc sự day dứt khôn nguôi. Điều đó cũng làm cho ngòi bút viết về chiến tranh bị hạn chế. Nhưng tôi tin, các bạn trẻ giờ sẽ có thể viết hay được về chiến tranh, bởi vì họ chưa nếm trải chiến tranh, họ rất nhẹ nhàng.
Đã có lần, tôi nói với các nhà văn trẻ rằng chỉ cần thực hiện các cuộc phỏng vấn về các nhân chứng sống ở khu vực từ Quảng Bình đến Huế, trung tâm bão táp, đau thương của cuộc chiến tranh vừa rồi. Anh chỉ cần dành thời gian, phỏng vấn vài chục nhân chứng về cuộc sống của ngày ấy như thế nào, hành xử thế nào, suy nghĩ, lo lắng, mơ ước thế nào trong không gian đầy bom đạn, xung đột giữa bên này hay bên kia… Vậy là anh đã có được một góc nhìn sinh động về chiến tranh. Nhưng giờ vẫn chưa ai làm được.
* Phải chăng điều này đòi hỏi ở các nhà văn trẻ quá nhiều thời gian và công sức khi mà họ còn đang có những lựa chọn khác bớt khó khăn hơn?
* Tham gia vào văn chương cần phải bỏ nhiều công sức. Giờ anh chỉ cần phỏng vấn như vậy đã có ngồn ngộn dữ liệu để viết mà không cần phải huy động quá nhiều sức tưởng tượng. Máy ghi âm, máy ảnh, đi một vùng như thế là sẽ có thể cảm nhận được cuộc chiến đã đi qua thế nào. Hay vùng Quảng Nam, nơi những người lính Hàn Quốc đã từng đóng quân. Họ đã cư xử với người dân Việt Nam như thế nào. Rồi những nhân chứng đã có vô vàn câu chuyện. Đó là văn chương tư liệu.
Các cây bút trẻ bây giờ không phải nghĩ ngợi nông cạn về chiến tranh mà chẳng qua họ đang bị phân tán bởi nhiều thứ khác. Những người trẻ chưa làm được vì còn vướng bận “cơm áo gạo tiền”. Nhưng nếu không làm nhanh thì các nhân chứng quý giá ấy ngày càng ít đi. Tôi tin rằng, đến một lúc nào đó họ sẽ lắng lại. Tôi rất trông đợi họ bởi họ có độ lùi rất xa. Vì thế, cái nhìn về cuộc chiến của họ cũng khách quan hơn.
* Các nhà văn trẻ giờ đây ít ai chuyên tâm và sống được với nghề này. Đó có phải là điều thiệt thòi?
* Ở nước mình, chẳng có ai viết văn chuyên nghiệp, người làm biên tập, viết báo; người làm ngoại giao, người dạy học, người là công nhân, kỹ sư… Tất cả các nhà văn trên thế giới đều thế cả trừ một số người viết sách thuộc hàng bán chạy nhất. Nhưng đó là họ viết sách chứ không phải văn học.
* Một số ý kiến lo ngại vì giờ đây văn hóa đọc đang phát triển theo hướng lệch lạc, đọc theo quảng cáo, đọc theo truyền thông. Bà nghĩ gì về nhận xét này?
* Văn chương cũng như âm nhạc, chia thành các thể loại khác nhau. Có rất nhiều người nghe rock, rap, pop còn âm nhạc bác học, thính phòng cổ điển rất kén người nghe, vì thế lượng người hâm mộ cũng không thể đông được. Văn chương cũng vậy, văn chương cũng không nhiều người đọc và theo tôi đó là lẽ tự nhiên. Loại sách bán chạy nhất bán hàng triệu bản, còn tác phẩm văn học in được 1.000 bản đã là tốt. Văn chương là vậy. Tôi nghĩ đó cũng là điều hợp lý bởi lẽ văn chương có phải ai cũng thích đọc đâu. Có một số ý kiến cứ ca thán về văn hóa đọc, song tôi không nghĩ như vậy. Mọi người giờ đây vẫn đọc nhưng đọc theo nhu cầu và ý thích của mỗi người, không thể cứ đọc tác phẩm văn học chính thống mới là đọc.
MAI AN (thực hiện)