Nhà văn Nguyễn Thu Trân: Nung nấu từ chuyện làng quê má kể

Nhà văn Nguyễn Thu Trân: Nung nấu từ chuyện làng quê má kể

Vừa qua, cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011-2013 đã chính thức trao giải tại lễ kỷ niệm 65 năm thành lập báo. Nếu như người đoạt giải nhất là tác giả Lê Thanh Kỳ được xem như một sự phát hiện mới, thì người đứng đầu trong số 3 tác giả nhận giải nhì là một tên tuổi quen thuộc: nhà văn Nguyễn Thu Trân, với truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn duy nhất ở TPHCM nhận giải kỳ này...

* Phóng viên: Xin chúc mừng chị đoạt giải nhì cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ. Khi gửi truyện dự thi chị có nghĩ mình sẽ đoạt giải và cảm xúc của chị khi chính thức nghe tin vui?

* Nhà văn NGUYỄN THU TRÂN: Tôi là một nhà văn yêu nghề và “máu nghề” nên trong máy tính cá nhân luôn có “lương khô” là những tác phẩm chưa trình làng. Có nhiều lý do để giải thích cho chuyện chưa đưa sản phẩm đến người tiêu dùng này. Một trong những lý do quan trọng là tôi sợ người ta chê “hàng” mình, vứt nó đâu đó trong hộc tủ nào đấy rồi quên bẵng đi hoặc mạnh tay delete không thương tiếc. Sự thiếu tự tin này đã hình thành nên thói quen: tôi chỉ “show hàng” khi được đặt hàng. Với Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ năm 2011 - 2013 cũng thế. Các anh Hà Nội gọi điện bảo cho một truyện để “hưởng ứng phong trào”, thế là tôi gửi Gia phả mùi rơm rạ. Gửi mà không nhắm đến giải, chỉ cảm thấy vui vì tác phẩm của mình sẽ được ra mắt bạn đọc một cách đàng hoàng. Còn cảm xúc khi được giải ư? Ai mà không thích. Thích vì bộ sưu tập giải thưởng của mình lại có thêm một gạch đầu dòng. Thời buổi có nhiều giá trị cần phải xem lại này, tôi vẫn trân trọng những cuộc thi chữ nghĩa chính thống và xem giải thưởng từ những cuộc thi này như những dấu ấn đẹp trong nghiệp văn của mình.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân.

Nhà văn Nguyễn Thu Trân.

* Truyện ngắn Gia phả mùi rơm rạ là một câu chuyện có tứ lạ, phản ánh những bi kịch khuất tất đời sống người nông dân Nam bộ một thời đen tối. Không phải là người sống vào thời ấy, vậy nhờ đâu chị có được vốn sống để tái dựng hiện thực ấy trong truyện?

* Năm Sọc trong Gia phả mùi rơm rạ của tôi là hình mẫu nhân vật có thật trong đời sống Nam kỳ lục tỉnh thời kỳ 1940- 1950. Chuyện nhà đại điền chủ Năm Sọc với vô vàn những khuất tất hoàn toàn không phải chỉ do tôi hư cấu mà ra. Phần lớn những chi tiết được hình thành và nung nấu trong tôi từ những câu chuyện làng quê má kể. Thời đó, má cũng là một đứa trẻ con, lúc rảnh rỗi bà thường kể thời thơ ấu của bà cho chúng tôi nghe như những câu chuyện làm quà. Còn kết cấu, nút thắt, nút mở… câu chuyện do tôi hư cấu và chịu khó tìm đọc lịch sử Nam kỳ lục tỉnh. Nhiều người đọc Gia phả mùi rơm rạ cứ tưởng tôi là một bà già nào đó cùng thời với cô Hận - nhân vật chính trong truyện. Cái sự “tưởng” này khiến tôi rất vui vì điều này chứng tỏ những tưởng tượng của tôi về một thời kỳ lịch sử xã hội cũng không đến nỗi… hoang đường.

* Theo chị, đâu là bí quyết để viết một truyện ngắn thành công?

* Phải có “đỉnh”. “Đỉnh” theo tôi là kỹ năng thắt và mở mâu thuẫn - xung đột chính của câu chuyện. Phải viết làm sao để khi đọc xong truyện, người đọc cảm thấy “sướng”, thấy “đã” vì vỡ ra một điều lạ trong cuộc sống tưởng quá thân quen này. Tôi cực kỳ ngưỡng mộ các nhà văn bậc thầy trong việc tạo ra “đỉnh” như Evelyn Waugh, James Joyce, Edith Wharton, William Faulkner… Truyện viết không có đỉnh đọc ngang phè phè, chỉ giống như kể lại một câu chuyện nào đó thôi. Mà kể lại câu chuyện thì ai kể chẳng được.

* Được biết chị sắp xuất bản một tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi. Do đâu thế giới tuổi thơ vẫn luôn quyến rũ đối với trang viết của chị?

* Bên cạnh nhiều truyện viết cho người lớn, tôi vẫn quan tâm đến thiếu nhi vì đời sống các em có bao điều thú vị và vì, tôi viết truyện thiếu nhi rất nhanh. Tháng 6 tới đây, tập truyện viễn tưởng Cả làng biết bay (tập truyện ngắn - NXB Văn hóa Văn nghệ TPHCM) của tôi sẽ ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi với bao điều kỳ diệu, kỳ diệu nhưng không phải là phép thuật, chỉ là cách lý giải các hiện tượng tự nhiên hoặc những vấn đề của đời sống một cách ngộ nghĩnh qua lăng kính trẻ thơ. Hy vọng các em sẽ thích và cười hả hê khi đọc Cả làng biết bay.

* Vậy còn dự định sáng tác sắp tới…

* Tôi còn nợ hai nhà xuất bản hai tập truyện: một thiếu nhi, một người lớn. Phải “cày” để trả nợ thôi. Có điều, từ nay đến cuối năm chắc phải hoàn thành thêm một tập truyện ngắn dành cho người lớn, đó là những truyện tôi thích nhất và viết công phu nhất trong hai năm gần đây.

* Cảm ơn nhà văn. Chúc chị đạt nhiều thành công mới!
 

PHƯƠNG MINH

Tin cùng chuyên mục