Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là một trong số ít những nhà biên kịch đắt sô nhất Việt Nam hiện nay. Kịch bản của ông dựng thành phim luôn thu hút sự chú ý của người xem. Không ít khán giả thừa nhận họ xem phim bởi cái tên Nguyễn Mạnh Tuấn…
* PV: Tên của nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn đã thành thương hiệu, bảo đảm sự thành công cho một bộ phim. Điều gì khiến ông có thể viết tốt như vậy?
* Nhà văn NGUYỄN MẠNH TUẤN: Đầu tiên, điều đó thuộc vào năng lực sáng tạo. Thứ hai là tinh thần, trách nhiệm với tác phẩm và xã hội. Thứ ba, những gì mình thấu hiểu, có cảm hứng thể hiện, thuận lợi cho nhà đầu tư và mang lại lợi ích cho người xem thì mới viết; cái gì chưa hiểu tới, bất lợi cho xã hội, không thu hút khán giả thì không viết. Với quan điểm trên, đương nhiên tôi không viết những tác phẩm kém chất lượng.
* Ông viết khá nhiều đề tài, tuy nhiên, có lần ông thừa nhận không đi thực tế mà chỉ đọc sách. Điều này có đúng không? Liệu việc đọc có đủ để cung cấp cho ông những tư liệu mang hơi thở cuộc sống thực sự?
* Đúng là hơn ba mươi năm nay tôi chỉ toàn ở nhà, thời gian viết nhiều hơn thời gian đọc. Nếu quan niệm phải “đi thực tế” mới sáng tác được thì không ai viết được phim, truyện lịch sử. Theo tôi, đối với người sáng tác, vấn đề không phải là đi thực tế nhiều hay ít. Nếu anh có năng lực nắm bắt cuộc sống, tư duy tổng hợp, phân tích xã hội tốt thì nguồn sáng tạo không bị giới hạn dù viết bất kỳ đề tài nào, lĩnh vực nào.
* Tham nhũng là một trong những đề tài gai góc, nhạy cảm, các nhà làm phim VN thường né đề tài này song dường như ông thì ngược lại. Điều gì khiến ông chọn sự gai góc đó?
* Tâm lý chung của người viết, người làm phim rất ngại bị phiền nhiễu: sợ không được làm, sợ đụng chạm, sợ khó khăn khi đụng vào những vấn đề gai góc. Nói gọn lại, với loại đề tài này, các tác giả do bức xúc nên mong muốn thì vô biên nhưng chính mình lại tự hạn chế mình, khiến tác phẩm nhợt nhạt hoặc thái quá. Nếu mình nhiệt huyết, thiện chí, đồng hành được với người đọc, người xem về những vấn đề xã hội bức xúc thì không có gì ngại khi đụng vào những “gai góc”.
* Một mảng đề tài khó nữa mà ông cũng chọn đi vào, đó là đề tài phim lịch sử. Theo ông, bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” do ông viết kịch bản sẽ được công chúng đón nhận thế nào?
* Tâm lý sáng tác của tôi: Việc gì khó và ít người khai thác tôi càng thích, càng hào hứng. Theo tôi, phim lịch sử của nước ta ít thành công là vì tư liệu lịch sử rất nghèo mà người viết lại quá lệ thuộc vào số tư liệu ít ỏi đó, ngại “sáng tạo” những phần ngoài chính sử. Vấn đề của người sáng tác hiện nay không phải là cố gắng phục hiện hiện thực mà là tái dựng chân dung lịch sử theo tư duy logic hiện đại.
Kịch bản bộ phim về Trần Thủ Độ cũng được viết trên tư duy đó, hay hay không còn phụ thuộc vào đạo diễn và đoàn làm phim. Nhưng tôi tin, bộ phim này chắc chắn sẽ khác những bộ phim lịch sử mà ta đã được xem, Thái sư Trần Thủ Độ sẽ đủ sức lôi cuốn khán giả. Việc tranh luận xung quanh nó, nếu có, cũng là chuyện bình thường, không có gì phải nặng lòng. Nếu người xem không quá cầu toàn thì sẽ thông cảm với người sáng tác.
Tôi cũng đã hoàn thành 70 tập kịch bản bộ phim truyền hình Huyền sử thiên đô. Dự án sản xuất phim này cũng là hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Truyện phim được bắt đầu từ năm 1004 đến 1009, dựng lại giai đoạn lịch sử khốc liệt mà từ đó, tài năng, tầm vóc của Lý Công Uẩn bật lên, dẫn đến quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, với tên Thăng Long. Bộ phim được thực hiện theo phương thức xã hội hóa: Công ty Sao Thế giới (TPHCM) là chủ đầu tư, Hãng phim Truyện 1 là đơn vị sản xuất, Đài Truyền hình Việt Nam là đơn vị phối hợp thực hiện. Dự tính giữa tháng 4 này khởi quay, cố gắng phát sóng những tập đầu trong dịp Đại lễ.
* Ông nghĩ gì khi có một số ý kiến cho rằng kịch bản của ông thường thiếu tính chân thực, chỉ hấp dẫn bởi một cốt truyện được kể khéo léo mà thôi?
* Tôi quan niệm, cuộc sống trong tác phẩm phải được nâng cao hơn cuộc sống đời thường để người xem thẩm thấu những vấn đề của đời sống chứ không đơn thuần chỉ xem những tái hiện đời thường. Đó chính là nghệ thuật. Nếu có ý kiến như bạn nói, thì do quan điểm khác nhau chứ không phải là nhược điểm của tác phẩm.
Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn được biết đến cả ở điện ảnh (Xa và gần, Lối rẽ trái trên đường mòn, Lưới trời, Không cân sức…), sân khấu (Trên cả trời xanh, Ngôi nhà anh túc) lẫn truyền hình (Đồng tiền xương máu, Hướng nghiệp, Người đàn bà yếu đuối, Blouse trắng, Cô thư ký xinh đẹp, Nghề báo…). |
HÀ GIANG