Đã có 5 năm tuổi Đảng, nhưng trước đó, tôi không có khái niệm gì về chuyện mình phải vào Đảng. Tôi chỉ nghĩ, mình là một quần chúng tốt, nghĩa là mình đã là một đảng viên rồi. Bây giờ tôi nghĩ, lẽ ra, tôi phải phấn đấu vào Đảng từ 20 năm trước đây mới phải.
20 năm sau, khi tôi về làm việc tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, đi nhiều, biết nhiều câu chuyện rất đáng thương, rất đáng được trân trọng. Những nhân chứng trong chiến tranh, ở mọi miền đất nước, họ dấn thân và cuối cùng không được gì. Đồng cảm với những số phận như thế và bằng ngòi bút của mình, tôi bênh vực họ, đưa họ ra ánh sáng. Kêu gọi xã hội, mọi người quan tâm, chia sẻ…
Tôi vào Đảng rất khó. Trước khi quyết định kết nạp tôi, một đồng chí đã gọi tôi lên để hỏi về việc “không chồng tại sao lại có 2 con?”. Khi nghe tôi giãi bày, ông nhìn tôi ánh mắt buồn rầu, chia sẻ và đó là ấn tượng tôi không bao giờ quên. Tôi nghĩ, Đảng luôn cần sự minh bạch, rõ ràng và tôi cũng luôn sống rất thật với mình.
Tôi được chị Trần Hồng Ánh – nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ dìu dắt vào Đảng và đó là một chặng đường dài đầy sóng gió, chứ không hề dễ dàng. Từ khi vào Đảng, tôi thấy mình có nhiều ràng buộc, sự chịu đựng tốt hơn, lấy được thăng bằng trong cuộc sống để vượt qua những khó khăn. Là đảng viên, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn với công việc, với những số phận thiếu may mắn.
Trăn trở nhất với tôi, vẫn là, Đảng cần phải nhìn thấu đáo bản chất của một con người, thấy được mặt tốt, cái sâu sắc, cái nhiệt tâm của họ để bồi dưỡng, dìu dắt mời họ đứng vào hàng ngũ của Đảng; chứ không phải là người biết tô son, vẽ phấn cho vẻ ngoài hào nhoáng, để được vào Đảng hầu phục vụ cho con đường quan lộ của chính mình. Với tôi, tuổi nào vào Đảng không quan trọng, kể cả khi tôi đã 60, 70 tuổi; quan trọng là mình làm gì tốt cho đất nước, cho xã hội, cho cộng đồng.
Như Hoa (ghi)