Nhà văn viết báo, nhà báo làm văn

Ở nước ta hiện nay, các nhà văn viết báo, nhà báo làm văn không hiếm. Thực ra, việc nhà văn viết báo, nhà báo làm văn không khó lý giải bởi suy cho cùng mục đích chung của người cầm bút vẫn chỉ là phản ánh, suy ngẫm hiện thực cuộc sống, xã hội qua lăng kính chủ quan của mình.

Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng việc làm văn vào viết báo lắm khi sẽ chuốc lấy thất bại. Không phải không có nhà thơ khi viết báo chẳng thoát được cái tính lơ tơ mơ cố hữu của mình nên tác phẩm hay bị “đổ”. Tôi thấy các ban biên tập báo rất cảnh giác với tính phóng đại, nói quá, hư cấu vô tư của các nhà văn, nhà thơ viết báo. Nói gì thì nói, không thể đánh mất đặc trưng, tiêu chuẩn thể loại được. Chắc chưa có ai viết bút ký, phóng sự hay gương người tốt việc tốt bằng phương pháp “hiện thực huyền ảo”.

Phải biết phân thân mới mong có cơ hội thành công cả hai loại báo và văn. Trong một người có hai phần là nhà văn và nhà báo. Hai mà một. Tuy hai nhà nhưng ở trong một người cầm bút. Một con người cầm bút có lương tâm, có đạo đức, có kiến thức, có vốn sống dù viết báo hay làm văn. Một con người cầm bút nguyện gần gũi chia sẻ với muôn nỗi ấm lạnh buồn vui của đồng bào, đồng loại. Một con người cầm bút chan hòa, trung thực với đồng nghiệp, biết thương người như thể thương thân và không thể không độ lượng khiêm nhường. Một con người cầm bút biết quý trọng, nâng niu tài năng, thành quả ngoài mình như chính của mình, dù đó là những trang văn thấm đẫm chất người hay những bài báo nóng hổi hơi thở cuộc sống. Báo hay văn cũng đều hướng tới chân thiện mỹ, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Một trong những lý do để nhiều nhà văn viết báo, theo tôi, có lẽ ngoài yếu tố nghề nghiệp còn có nguyên nhân kinh tế. Cơm áo không đùa với khách thơ. Nghề văn - cái nghề vốn được coi là cao quý và sang trọng ở nước ta đâu đủ sức nuôi sống được tác giả và gia đình họ. Hiếm hoi những nhà văn sống được bằng nhuận bút. Hiếm hoi lắm những nhà văn chỉ viết văn đơn thuần mà không làm một công việc gì đó ngoài sáng tác văn chương. Như nhà văn Chu Lai, mấy ai viết nhiều tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, điện ảnh như ông nhưng nếu chỉ trông nhờ vào cái khoản nhuận bút kha khá của mình mà không có lương hưu của một quân nhân liệu có sống được kha khá như bây giờ? Như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhuận bút tập thơ Góc sân khoảng trời tái bản mấy chục lần cùng với quyển Đảo chìm được in lại 25 lần có đảm bảo cho cuộc sống của ông và gia đình không nếu người từng được gọi là “thần đồng thơ đất Việt” này không được hưởng lương ở Đài Tiếng nói Việt Nam? Phần đông nhà văn xứ mình đều lẹt đẹt èo uột về kinh tế, nên thật vô cùng ảo tưởng khi nói họ sẽ sống được bằng viết văn. Vì thế, cứu cánh thực tế nhất và cũng trong sạch nhất với các nhà văn về khoản cơm áo gạo tiền có lẽ khả thi nhất vẫn là viết báo.

Có người lo rằng, viết báo nhiều sẽ ảnh hưởng tới văn. Tôi nghĩ, người cầm bút có bản lĩnh, vững tay nghề không lo chuyện đó. Tác phong làm báo sẽ giúp người viết văn xông xáo, năng động và cập nhật hơn cuộc sống. Văn sẽ làm cho báo có nhiều cung bậc và sắc màu mới mẻ hấp dẫn hơn. Biết chừng mực, biết vận dụng văn và báo sẽ bổ sung cho nhau rất tốt. Bạn đọc vẫn thường dành tình cảm cho những bài báo nhiều thông tin, vấn đề mới mẻ và có chất văn.

Nguyễn Hữu Quý

Tin cùng chuyên mục