Nhà văn Y Ban (ảnh) được nhiều người nhớ đến với những trang viết về thân phận phụ nữ có cuộc sống không yên ả, thậm chí là những người đàn bà có nhiều bi kịch. Không có nhân vật nào là hoàn hảo và trong suốt, bởi với chị, cuộc đời làm gì có người phụ nữ nào hoàn hảo. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị.
* Phóng viên: Thưa nhà văn Y Ban, đọc sách của chị, dù tiểu thuyết, truyện vừa hay truyện ngắn như “I am… đàn bà”, “Đàn bà xấu thì không có quà”, “Xuân từ chiều”… thấy có một tuyến nhân vật xuyên suốt, và làm nên phong cách văn chương của Y Ban, đó là những người phụ nữ. Chị có thể lý giải vì sao chị “phải lòng” như vậy?
- Nhà văn Y Ban: Thực ra cũng không hẳn là toàn bộ sáng tác của tôi đều là những nhân vật phụ nữ. Tuy nhiên nếu nói như bạn cũng đúng. Tôi không nhớ tác giả câu nói này của ai, đã nói thế này: Có nam có nữ mới nên xuân. Nói thế giới thì rộng lớn thật, vũ trụ càng bao la nhưng thực chất cũng chỉ gói gọn trong hai giới, đàn ông và đàn bà. Viết về đàn bà không thể thiếu bóng dáng đàn ông và viết về đàn ông không thể thiếu bóng dáng đàn bà. Chỉ có điều khi độc giả nhớ nhiều nhất về nhân vật nào của mình mà thôi. Với tôi, do độc giả nhớ nhiều về nhân vật nữ của mình vì vậy nhiều người đội luôn cho tôi “cái mũ”: nhà văn viết về phụ nữ. Tôi hài lòng và cũng khá hứng thú với cái mũ này. Còn lý do vì sao tôi lại phải lòng ư? Vì tôi là phụ nữ, tôi hiểu được phái của mình. Khi nhà văn mà hiểu thấu đáo một vấn đề nào đó thì ắt sẽ viết được những câu chuyện thấu đáo.
* Cả một đời văn viết về phụ nữ, liệu có nỗi đau hay niềm hân hoan nào của phụ nữ mà chị muốn cất giữ hay tránh né?
- Tôi không né tránh nhưng quả là lực bất tòng tâm khi rất muốn viết về những người đàn bà nghị trường nhưng tôi chưa tiếp cận được nhân vật.
* Chị viết nhiều về phụ nữ, nhưng hình như không có nhân vật nào hoàn hảo, trong suốt cả, mà thường là những người phụ nữ thiệt thòi, hoặc bị dồn đẩy đến những bi kịch. Nhưng thường đó là những người phụ nữ cứng cỏi, bản lĩnh. Phải chăng bởi cùng là phụ nữ mà chị luôn “nghiêng về phe nước mắt” hay bởi xã hội có nhiều câu chuyện dội về, khiến chị muốn tỏ bày trên trang sách?
- Có lẽ “phe nước mắt” có nhiều chuyện để kể hơn chăng. Nhưng thực ra trong cuộc đời làm gì có người phụ nữ nào hoàn hảo, trong suốt đâu. Hãy chỉ cho tôi một người như thế đi, tôi sẽ viết về họ. Đến trong những câu chuyện cổ tích kia, cô Tấm cũng phải một kiếp người, một kiếp cây, một kiếp chim, một kiếp quả thị rồi thì mới được làm hoàng hậu cơ mà. Tôi chỉ viết như cuộc đời đang diễn ra, để trước tiên là cảnh báo và sau đó là lối thoát. Tôi không muốn đẩy nhân vật của mình vào chân tường. Tôi luôn để cái kết mở để cho nhân vật của mình dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể thoát ra được
* Nhiều người vẫn kêu gọi, đòi hỏi sự bình đẳng cho phụ nữ. Theo chị, phụ nữ hiện nay có cần đòi hỏi điều đó?
- Đó là một đòi hỏi rất chính đáng. Chúng tôi (nhấn mạnh Y Ban là phụ nữ) luôn muốn được nhìn nhận một cách bình đẳng trong cuộc cuộc sống, trong gia đình và cả trong sự nghiệp. Chúng tôi muốn được thực sự bình đẳng chứ không bằng các khẩu hiệu suông. Tôi lấy ví dụ về văn chương chẳng hạn thì đã thấy ngay sự bất bình đẳng. Trong khi người đọc, dư luận báo chí và các nhà phê bình luôn nói rằng văn chương nước nhà đang trong tình trạng “âm thịnh dương suy”, có nghĩa là các nhà văn nữ đang chiếm lĩnh văn đàn bằng sức sáng tạo mạnh mẽ của họ. Nhưng (lại nhưng như đã nhưng và sẽ nhưng) các giải thưởng “lớn bùi bé mềm” toàn rơi vào tay các đấng mày râu. Mà than ôi, giá như nó thật sự là hay, là có chất lượng đã đành.
* Chị dẫn ra một ví dụ rất thú vị, là một đề tài cũng rất thú vị của báo chí. Tò mò muốn biết, hiện chị đang viết gì vậy?
- Tôi vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết có tên Công viên cứu hộ loài người.
* Lại một cuốn sách có những nhân vật nữ đầy cá tính, gai góc phải không?
- Không. Lần này tôi viết một cuốn sách không có vấn đề của đàn bà. Cuốn sách gồm hai phần. Phần 1, “Vượt rừng cứu em”, nhân vật chính là một cậu bé 12 tuổi trong hành trình vượt rừng cứu em gái bị bắt cóc đã gặp 4 người bạn: Lém Lỉnh, một con khỉ mồ côi; Tom, một con chó mất mõm; An, một con gấu bị cụt tay; Lành, một con trâu bị mất sừng và chột mắt. Với sự giúp đỡ của 4 người bạn cậu bé đã cứu được em gái. Trong hành trình đi cứu em cậu bé đã hiểu được tiếng nói của các loài vật. Cậu đã được nghe các con vật kể về những nỗi đau đớn khi bị con người hành hạ. Còn phần 2, “Công viên cứu hộ loài người”. Cậu bé khi xưa đã trở thành một kiến trúc sư tài giỏi. Từ câu chuyện của nhóm người bạn Tom, Lém Lỉnh, An, Lành cậu muốn xây dựng một công viên cứu hộ những con vật đang bị tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn. Tuy nhiên, chính con người lại khẩn thiết kêu gọi cậu phải xây dựng công viên cứu hộ loài người. Bởi vì chính loài người, hơn bao giờ hết đang phải đối diện với nhiều nỗi đau đớn và tổn thương mà không thể tự mình thoát ra được.
* Cuối cùng đàn bà muốn gì là tên một cuốn sách của chị ra mắt gần đây. Vậy trên con đường văn chương “nghiêng về phe nước mắt”, Y Ban muốn gì?
- Tôi mà biết tôi muốn gì thì thế giới này sẽ chẳng còn bí mật nào nữa.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
MAI HOÀNG (thực hiện)