Nhân lực công nghệ thông tin: Cung - cầu lạc nhịp

Nhân lực công nghệ thông tin: Cung - cầu lạc nhịp

(SGGP-ĐTTC).- Tại ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2010 vừa diễn ra tại TPHCM, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) cho rằng trong khi nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng hầu hết sinh viên mới ra trường trúng tuyển đều phải đào tạo lại. Còn các ứng viên, không ít người băn khoăn vấn đề tìm việc  sau khi tốt nghiệp.

Nguồn nhân lực: cơ hội vàng

Gần đây Chính phủ đã hỗ trợ mạnh mẽ việc phát triển CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT - Truyền thông” của Bộ Thông tin - Truyền thông vừa được Chính phủ thông qua, xác định mục tiêu đến năm 2015 Việt Nam sẽ đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) về CNTT; tổng doanh thu lĩnh vực này chiếm tỷ trọng 17-20% trong GDP; tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT, có tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20-23% trong GDP và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP…

Hiện nay các chính sách ưu đãi về thuế, giá thuê đất… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tập đoàn CNTT lớn tăng tốc đang được áp dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng đang chuyển mạnh sang ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Vì vậy, đây là thời điểm rất cần nguồn nhân lực có kiến thức, có tay nghề cao đáp ứng cho nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT của xã hội.

Đào tạo sinh viên CNTT chưa kết nối với nhu cầu doanh nghiệp. Ảnh: LÃ ANH

Đào tạo sinh viên CNTT chưa kết nối với nhu cầu doanh nghiệp. Ảnh: LÃ ANH

Đào tạo thiếu thực tế

Tuy nhiên, dù đang có trong tay cơ hội “vàng” bởi dân số đang trong giai đoạn cơ cấu trẻ (tập trung lực lượng lao động trẻ đông nhất), giới trẻ Việt Nam rất say mê CNTT, nhưng trên thực tế nền tảng để phát triển cho đề án này hiện vẫn còn hạn chế về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề nhân lực. Vì vậy, đòi hỏi về đào tạo tốt nguồn nhân lực CNTT đang là điều cấp thiết phải giải quyết.

Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CMC Soft TPHCM, nhìn nhận: “Thực tế nhu cầu nhân lực của ngành CNTT rất lớn, nhưng giữa cung và cầu vẫn chưa gắn kết được với nhau. Nói chính xác hơn, công tác đào tạo sinh viên, học sinh CNTT của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề chưa kết nối được với nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường mải chăm bẵm đào tạo theo nội dung của riêng họ, không nắm được nhu cầu doanh nghiệp muốn gì, cần bao nhiêu sinh viên... Bên cạnh đó, CNTT thay đổi từng ngày nhưng giáo trình đào tạo tại các trường chậm cập nhật, thay đổi, còn sinh viên và học sinh vẫn học một cách thụ động… Cho nên, hầu hết người mới ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc tại các doanh nghiệp. Việc tuyển dụng nhân lực CNTT có chất lượng cho doanh nghiệp hầu như rất bấp bênh”.

Nhiều sinh viên có chung nhận định cản trở lớn nhất đối với họ là trình độ ngoại ngữ - một kỹ năng không thể thiếu trong lĩnh vực CNTT, kế đến là các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày, lập tài liệu... Vì vậy, nhiều người dù có chuyên môn vững, nhưng lại khó tìm một công việc ưng ý. “Nếu hội đủ các yếu tố này, chắc chắn sinh viên sau khi ra trường sẽ dễ dàng nắm bắt công việc, giúp ngành CNTT của Việt Nam tiến xa như mong đợi” - đại diện một doanh nghiệp nói.

Lê Hữu

Tin cùng chuyên mục