Báo SGGP số ra ngày 15-9 có đăng bài “Cú hích từ cánh đồng mẫu lớn”, phản ánh hiệu quả thiết thực từ mô hình mới này tại ĐBSCL trong việc cải thiện thu nhập cho người trồng lúa, nâng tầm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo Việt Nam lên vị thế mới. Sau khi báo đăng, chúng tôi đã nhận được ý kiến tâm huyết từ các chuyên gia, nhà quản lý nông nghiệp, góp ý để mô hình này được nhân rộng và phát triển bền vững…
- TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu lớn
Từ trước đến nay, mình làm những mô hình, áp dụng phương pháp sản xuất lúa mới đều thành công tốt. Tuy nhiên, hạn chế chung là vẫn còn tình trạng sản xuất lúa theo kiểu nhỏ lẻ, quy mô gia đình, chi phí đầu tư cao. Chính vì vậy, sản lượng thấp, chất lượng không đồng, khó xây dựng thương hiệu… nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn cùng nông dân ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn cơ bản đáp ứng được các điều kiện của doanh nghiệp. Từ đó, việc đưa máy móc vào đồng ruộng, áp dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, có sản lượng lớn, chất lượng cao, giảm chi phí; triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất thuận lợi.
Tuy nhiên, việc đầu tư vùng nguyên liệu trồng lúa, xây dựng dây chuyền chế biến, nhà máy sấy, kho chứa theo hướng hiện đại, thu mua tồn trữ… đòi hỏi nguồn vốn lớn. Vì thế vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ vốn vay và lãi suất ưu đãi là rất quan trọng. Để thúc đẩy mô hình cánh đồng mẫu lớn phát triển bền vững, cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp tham gia là hết sức cần thiết.
- TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): Nhanh chóng chuyển sang sản xuất lớn
Để tiếp tục duy trì vị thế của một nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không cách nào khác là nông dân nước ta phải liên kết lại, góp đất với những hộ kế bên để hình thành những cánh đồng lớn hàng ngàn hécta. Khi đó máy cày, máy gặt đập liên hợp... mới hoạt động hiệu quả. Hiện nay nông dân đã thấy được hiệu quả của “cánh đồng lớn” nên họ rất hưởng ứng mô hình này và nếu có quy hoạch chắc chắn bà con sẽ tham gia nhiệt tình. Song, để nông dân yên tâm sản xuất trên những cánh đồng lớn thì rất cần sự hỗ trợ có hiệu quả của nhà nước. Sự hỗ trợ ấy thể hiện qua việc lựa chọn và liên tục rà soát những doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín để làm đối tác với nông dân, tránh tình trạng “bẻ kèo, lật kèo” với nông dân. Để nhân rộng được mô hình này, các sở NN-PTNT cần chủ động đứng ra quy hoạch, vận động nhân dân và hình thành bộ máy quản lý như hợp tác xã hoặc tổ hợp tác…
Tôi còn muốn đến lúc nào đó, nông dân sẽ đồng ý bỏ luôn bờ mẫu làm ranh ruộng của mình để thật sự có những cánh đồng bạt ngàn. Khi đó nhà nước sẽ hỗ trợ họ “giữ đất” bằng thiết bị định vị vệ tinh.
Bình Đại ghi
- Cú hích từ cánh đồng mẫu lớn