Nhận từ Việt Nam

Nhà thơ Bruce Weigl, một cựu binh Mỹ từng đặt dấu giày lên Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968, viết: Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. Ông không nói sai sự thật, ít nhất là với những gì ông đang có.
Nhận từ Việt Nam

Nhà thơ Bruce Weigl, một cựu binh Mỹ từng đặt dấu giày lên Quảng Trị từ năm 1967 đến năm 1968, viết: Chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam. Ông không nói sai sự thật, ít nhất là với những gì ông đang có.

Nước Mỹ nhìn nhận Bruce Weigl, tác giả của 12 tập thơ trong đó có phần quan trọng viết về chiến tranh Việt Nam là một “hiện tượng thi ca”. Là cha nuôi của Nguyễn Thị Hạnh Weigl, người được ông đón về Mỹ từ cô nhi viện lúc 8 tuổi, ông yêu đất nước Việt Nam, con người Việt Nam nồng nàn.

Nhà thơ Bruce Weigl (phải) giao lưu với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam vào cuối năm 2011.

Nhà thơ Bruce Weigl (phải) giao lưu với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam vào cuối năm 2011.

Không riêng gì Bruce Weigl, nhiều cựu binh Mỹ sang xâm lược Việt Nam mang trong mình bóng tối hãi hùng của dĩ vãng. Càng ngày họ càng thấy rõ hơn sự vô nghĩa, vô lý của cuộc chiến tàn bạo do Chính phủ Mỹ phát động lúc đó. Nhưng với ông, nỗi ám ảnh ấy được trình bày bằng một thể loại văn chương xưa cũ nhất của nhân loại được gọi là thơ. Ông so sánh và khái quát: Chiến tranh là con ong bằng sắt cháy đỏ, hút cạn hết mật cuộc đời (Tết đến).

Khái quát đạt đến độ cô đọng hàm súc còn cụ thể thì cũng rất chi tiết. Nỗi ám ảnh về cô bé Việt Nam bị bom na pan đốt cháy trong chiến tranh thật hơn cả sự thật: Cả bây giờ cả khi nhắm mắt, anh vẫn nhìn thấy bé gái chạy ra từ ngôi làng/bom na pan dính vào váy như thạch/đôi bàn tay với ra phía trước/nhưng không ai đón bé trong biển lửa trước mắt. Một khung cảnh chiến tranh hiện lên như những thước phim thời sự nóng bỏng, dù nó được lôi ra từ hồi ức khủng khiếp nhất của cuộc đời.

Và cũng khó hoài nghi về tâm trạng bất an triền miên, trĩu nặng trong phần đời còn lại của những cựu binh Mỹ từng xâm lược Việt Nam: Cô bé bị đốt cháy sau võng mạc của anh/không có gì có thể thay đổi được điều đó/kể cả tình yêu dịu ngọt của em/cả không khí mát lành sau mưa/và cả đồng cỏ xanh như rừng đang trải trước mặt chúng ta. Nanh vuốt chiến tranh đã ngoạm vào cuộc đời trai trẻ của những người như ông và bi kịch thay họ cảm thấy cô độc lẻ loi hơn khi tiếng súng đã ngừng cho tận tới một ngày được phía bên kia tha thứ.

Đây, không còn là thơ nữa mà chính xác là lời tự thú: Chiến tranh đã ăn thủng tôi / Tôi không thể chạm vào ai được nữa (Kỷ niệm ngày được tha thứ). Sự mất mát to lớn, nỗi đau sâu thẳm của người dân trên xứ sở nhiệt đới này đã “giác ngộ” họ; những người như Bruce Weigl nhận từ chiến tranh bài học thực tiễn về lòng từ tâm lương thiện.

Phải nói rằng Việt Nam đã thấm vào sâu, rất sâu trong tâm hồn của nhà thơ Mỹ này. Trong cuộc hoán vị giàu ý nghĩa biểu tượng, số phận cây cũng là số phận người, lúa và mẹ kết thành một Việt Nam tảo tần, nhân hậu, dâng hiến nhưng cũng lắm khổ đau, đơn chiếc, chia ly: Rồi Mẹ như cây mạ /sẵn sàng cho số phận nhô lên từ mảnh ruộng Mẹ đã được gieo/để lại được cấy xuống trong hàng hàng những người sống sót…/Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/tự do chảy qua những cánh đồng/Khi lúa chín, Mẹ gặt hái điều thiêng liêng nhất của đời mình bằng tiếng hát/bằng yêu thương sâu thẳm trong tim/bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm Mẹ.

Trên vết thương chiến tranh nảy lên mầm tình yêu. Tình yêu bật dậy và dâng tràn bao la, gần gũi như nhịp tim hơi thở con người và thiêng liêng như một tân tôn giáo tinh khiết. Tình yêu ấy không phải bỗng nhiên đến, nó vượt qua những trải nghiệm và giác ngộ nghiệt ngã để dần dần nghiêng hẳn về phía kẻ thù một thuở của mình.

Sau chiến tranh, những cựu chiến binh Mỹ như Bruce Weigl trở lại Việt Nam, đất nước mà họ từng ném bom, bắn phá, mở nhiều cuộc hành quân tìm và diệt những người yêu nước. Cái họ được nhận không phải hận thù mà là sự độ lượng bao dung. Đương nhiên tình cảm của Bruce Weigl dành cho Việt Nam rất thành thật.

Thành thật yêu quý, thành thật hối hận: Không sự hối hận nào có thể trả lại sự sống cho những người vô tội bị giết chết/không giọt nước mắt nào có thể gột sạch quá khứ/không lời nào có thể trồng lại màu xanh cho một thành phố bị đốt cháy (Cuộc đời cô lá cờ lụa đỏ). Ăn năn hối hận bao nhiêu thì tình yêu của họ dành cho Việt Nam càng đẹp đẽ bấy nhiêu.

Thâm nhập vào ngóc ngách cuộc sống phố phường, làng xã Việt Nam và từ sự hồn nhiên, đơn sơ của nó, nhà thơ phát hiện ra những giá trị mới mà có lẽ trước đó ông chưa hề có. Những câu thơ ngợi ca cuộc sống hòa bình bay lên ngay trên mảnh đất từng bị đào xới vì bom đạn chiến tranh: Đèn dầu thắp sáng hàng quán/Nơi những người, vừa từng là kẻ thù của tôi/Ngồi trên vỉa hè ngợi ca đêm giản dị/Mùi phở thơm bay lên/Món ăn của ngày và của đêm…Và những đứa trẻ / bao vây chúng tôi bằng tiếng cười đen và trắng/đá cầu nhịp nhàng lên không trung/tất cả vì bom đã thôi dội xuống (Duy vật biện chứng). Đấy là bộ mặt của cuộc sống đầy tính thiện, nó vượt lên quá nhiều những đau thương mất mát cơ cực và đã phủ che bấy nhiêu trăn trở lo toan thường nhật không dễ gì thấy hết.

Cốt lõi xuyên suốt của tinh thần ấy, phẩm chất ấy là gì? Đâu là của hôm qua những trầm tích lịch sử văn hóa để lại? Đâu là của hôm nay sự chấp nhận và bứt phá để tồn tại và phát triển? Đâu là của ngày mai những dự cảm, dự định tươi sáng? Có những câu hỏi/mà những người có tất cả/hỏi những người không có gì cả/và câu trả lời họ không bao giờ hiểu được (Duy vật biện chứng).

Như vậy, thật thú vị, vẫn còn đó những bí mật Việt Nam chưa được hé lộ. Để có một tình yêu trọn vẹn với đất nước này, người Mỹ tiếp tục tìm hiểu khám phá con người Việt Nam…  

NGUYỄN HỮU QUÝ

Tin cùng chuyên mục