Theo ông, chương trình này là “thủ phạm” đã giúp một người nhập cư từ Uzbekistan vào được nước Mỹ để rồi gây ra vụ khủng bố bằng xe bán tải tại quận Manhattan, khiến 8 người thiệt mạng hôm 31-10.
Nếu như chính quyền Mỹ siết chặt các chính sách nhập cư vì vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia thì ngược lại, cũng trong ngày 1-1, chính phủ Canada công bố hạn ngạch tiếp nhận người nhập cư. Theo đó, trong 3 năm tới, Canada sẽ tăng số người nhập cư tiếp nhận lên 1 triệu người. Bộ trưởng Nhập cư Canada Ahmed Hussen khẳng định kế hoạch này sẽ tạo ra một lực lượng lao động nhập cư dồi dào nhất trong lịch sử, đảm bảo sự thịnh vượng của Canada cả trong hiện tại và tương lai, đặc biệt trong bối cảnh dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm.
Cũng mở rộng cửa chào đón người nhập cư như Canada, Thượng viện Australia vừa bác bỏ dự luật thắt chặt quy định về cấp quốc tịch và cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Dự luật đề xuất hủy bỏ chương trình cấp thị thực làm việc tạm thời cho người nước ngoài hiện nay, nâng cao trình độ tiếng Anh và trình độ chuyên môn, kéo dài thời gian chờ cấp quốc tịch… Thượng viện Australia cho rằng các đề xuất trên đã đi ngược lại các giá trị đa văn hóa mà Australia theo đuổi lâu nay. Mỗi năm, Australia cấp thị thực nhập cảnh cho khoảng 16.000 người xin tị nạn. Quốc gia này cũng đã tiếp nhận khoảng 12.000 người chạy trốn các cuộc xung đột ở Syria và Iraq.
Không như các nước công nghiệp khác sẵn sàng chấp nhận người nhập cư để bổ sung lực lượng lao động, Nhật Bản không chào đón người nhập cư bất chấp dân số giảm và già đi. Theo đó, từ giữa tháng 11 tới, Nhật Bản sẽ chỉ cho phép những người được đánh giá là người tị nạn thực sự được làm việc tại nước này. Khi quy định này có hiệu lực, mỗi năm sẽ có hơn 10.000 người thiếu điều kiện tị nạn tại Nhật Bản không được phép làm việc tại nước này. Những người không đủ tiêu chuẩn tị nạn trong những lần xét duyệt ban đầu và những trường hợp xin tị nạn nhiều lần, sẽ bị giữ tại các trung tâm giam giữ sau khi giấy phép lưu lại Nhật Bản của họ hết hạn.
Cũng có bối cảnh như Canada, thậm chí còn trầm trọng hơn, nhưng nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới này vẫn không hề thay đổi chính sách nhập cư được xem là nghiêm ngặt nhất trong số các nước phát triển, bất chấp dân số già và tình trạng sụt giảm dân số lao động đã khiến nền kinh tế này tăng trưởng chậm chạp. Trong nửa đầu năm 2017, Nhật Bản chỉ chấp nhận 3 người tị nạn, mặc dù theo thống kê có đến 8.561 đơn xin tị nạn mới. Trong năm 2016 chỉ có 28 người được chấp nhận tị nạn.
Nhập cư vẫn là vấn đề tranh cãi tại Nhật Bản, khi người ta tự hào về tính đồng nhất về văn hóa và sắc tộc. Báo Japan Today cho rằng, từ nhiều năm nay Chính phủ Nhật siết chặt việc chấp nhận người tị nạn vì lo sợ dòng chảy tị nạn sẽ làm ảnh hưởng đến chế độ xã hội thuần nhất của nước này. Còn theo một cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, cứ 10 người Nhật được hỏi, có 6 người Nhật sợ rằng sự đa dạng về chủng tộc và tôn giáo sẽ khiến cho đất nước họ trở nên tồi tệ hơn.