Nhập cư - khổ cả đôi bên

Bilal, một thanh niên phải trốn chạy xung đột ở Syria tin rằng: nước Anh đồng nghĩa với tự do. Một khi đến được miền đất hứa ấy, anh sẽ có cơ hội làm lại từ đầu, mở một cửa hàng buôn bán máy vi tính như cơ sở anh đã từng có ở Syria… Mơ ước của Bilal có lẽ cũng giống như của hơn 37.000 người nhập cư trái phép tìm đường sang Anh tính từ đầu năm 2015 đến nay (thống kê của Tập đoàn khai thác đường hầm Eurotunnel nối eo biển Manche).
Nhập cư - khổ cả đôi bên

Bilal, một thanh niên phải trốn chạy xung đột ở Syria tin rằng: nước Anh đồng nghĩa với tự do. Một khi đến được miền đất hứa ấy, anh sẽ có cơ hội làm lại từ đầu, mở một cửa hàng buôn bán máy vi tính như cơ sở anh đã từng có ở Syria… Mơ ước của Bilal có lẽ cũng giống như của hơn 37.000 người nhập cư trái phép tìm đường sang Anh tính từ đầu năm 2015 đến nay (thống kê của Tập đoàn khai thác đường hầm Eurotunnel nối eo biển Manche).

Vào Anh: Dễ và khó

Tuần vừa qua, Pháp đã ngăn chặn hàng ngàn vụ người nhập cư nước ngoài lao xuống đường hầm Eurotunnel (nối eo biển Manche) từ tỉnh Calais của Pháp để tìm đường sang Anh định cư. London đã đề xuất khoản ngân sách trị giá 25 triệu EUR để tăng cường các biện pháp kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp muốn sang Anh, trong đó có dựng các hàng rào giáp ranh tỉnh Calais, tăng cường các hoạt động tuần tra biên giới...

Theo thống kê Eurostat của châu Âu, trong năm 2014, nước Anh chỉ đứng hàng thứ 6 trong số những địa điểm những người nhập cư bất hợp pháp muốn xin tị nạn sau Đức, Thụy Điển, Italia, Pháp và Hungary. Năm 2014, có gần 31.500 hồ sơ xin định cư tại Anh quốc, bằng 50% so với số đơn xin được ở lại Pháp và chỉ tương đương với 1/7 so với những người muốn được ở hẳn lại Đức.

Thế nhưng, cứ trên 100 hồ sơ xin tị nạn thì có tới gần 40 hồ sơ được cứu xét và cho phép ở lại nước Anh. Vì vậy, ngày càng có nhiều người di cư “rình rập” ở cửa ngõ miệng hầm Eurotunnel để đến được bờ bên kia biển Manche, cho thấy nước Anh thực sự có sức hấp dẫn, bất chấp việc từ đầu tháng 6-2015, có 9 người nhập cư đã thiệt mạng trên hành trình hy vọng đi tìm cuộc sống tươi sáng hơn qua ngả đó.

Có một thực tế rằng, với tỷ lệ tăng trưởng 2,6%, cao hơn gấp đôi so với Pháp và tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ bằng phân nửa so với người láng giềng, nước Anh được xem như “miền đất hứa” đối với người nhập cư. Hơn thế, ngôn ngữ cũng là một lợi thế không nhỏ đối với khoảng 3.000 công dân gốc Eritrea, Ethiopia, Sudan hay Afghanistan. Một ưu điểm nữa của Anh trong mắt người nhập cư là hầu hết họ có bà con gần xa đã lập nghiệp trên xứ này và họ hy vọng trông cậy vào sự giúp đỡ của những người thân.

Tuy nhiên, chính sách của Anh đối với người nhập cư lại khác hẳn. London có rất ít điều khoản ưu đãi dành cho người tị nạn. Cho dù được hỗ trợ về nhà ở và chăm sóc y tế, được ghi danh miễn phí cho con đi học như ở Pháp nhưng trung bình, một người tị nạn ở Anh chỉ hưởng trợ cấp thấp hơn 11 EUR so với Pháp. Trong trường hợp đó, theo giới quan sát, người nhập cư vào nước Anh sẽ cố ý không khai báo với sở di trú để dễ bề luồn lách. Vì vậy, theo Tổ chức Hỗ trợ người nhập cư Asylum Aid của Anh, khó có thể biết chính xác về số người nước ngoài đến định cư tại vương quốc này. Năm 2014, chính phủ Anh đã siết chặt luật nhập cư và dưới áp lực của công luận, nhất là các đảng có khuynh hướng bài ngoại, một lần nữa, nội các của Thủ tướng David Cameron chuẩn bị bổ sung thêm vào luật nhập cư để giới hạn số lượng người muốn thâm nhập vào lãnh thổ Anh bằng mọi giá.

Nhân viên an ninh ngăn chặn người nhập cư từ Pháp vào Anh.

Mạnh ai người đó siết

Hungary có cách tiếp cận vô cùng cứng rắn với vấn đề người nhập cư. Thủ tướng nước này, ông Viktor Orban, mới đây đã tuyên bố: Người nhập cư trái phép là mối đe dọa đối với Hungary và châu Âu. Theo Thủ tuớng Orban, nhập cư bất hợp pháp dính líu đến khủng bố và làm gia tăng hành động tội ác, phạm pháp và tình trạng thất nghiệp. Thủ tướng Hungary không ngần ngại công khai về chủ trương dành châu Âu cho riêng người châu Âu của mình.

Chính vì cách tiếp cận này, Hungary đã triển khai dự án “bức màn sắt” giữa lòng châu Âu để ngăn chặn người nhập cư từ biên giới Serbia. Mục tiêu nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và xin tị nạn phần đông đến từ Iraq, Afghnistan, Syria và châu Phi. Những người này thường tìm cách vào Hungary, để từ đây đến các nước khác, thông qua hai ngả Áo và Đức. Trong các tháng vừa qua, đã có 80.000 người xin tị nạn tại Hungary, trong lúc cả năm 2014, chỉ có 43.000 người. Trước đó, Quốc hội Hungary cũng đã đề xuất những quy định ngặt nghèo hơn về quy chế tị nạn, đồng thời cho phép chính quyền giam giữ người nhập cư trong các trại giam tạm thời. Cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Hungary đã thông báo hàng rào cao 4m, chạy dài trên 175km này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 8, sớm hơn 3 tháng so với dự kiến.

Còn tại Italia, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vì lý do tài chính, 40 % người Italia phản đối Chính phủ nước này cứu vớt người di cư trên Địa Trung Hải. Hiện Rome chi trung bình từ 35 - 40 EUR cho mỗi người nhập cư đến nước này. Chi phí đó nhằm bảo đảm chỗ ở và lương thực cũng như tiền thù lao cho các nhân viên tiếp nhận người nhập cư nước ngoài và kể cả khoản chi tiêu 2,5 EUR cho mỗi người nước ngoài tay trắng đặt chân lên Italia. Đối với một số đảng phái chính trị cũng như một phần người dân Italia, tiếp đón như vậy là “quá mức tử tế và nhân đạo”. Tình trạng bài ngoại gia tăng cũng được ghi nhận ở một số khu vực ở Italia. Ngày 18-7 vừa qua, tại thị trấn Quinto, gần thành phố Treviso, ở vùng Veneto, chính quyền địa phương đã buộc phải đáp ứng yêu cầu của người dân. Với sự ủng hộ của liên minh Lega Nord theo chủ nghĩa dân túy và đảng cực hữu Forza Nuova, người dân đã biểu tình đòi chính quyền phải dời chỗ ở của hơn 100 người xin tị nạn. Trước đó hai hôm, tại thành phố Casale San Nicola, ngoại ô thủ đô Rome cũng xảy ra vụ xô xát giữa người tị nạn và các thành viên phong trào cực hữu CasaPound (CPI), buộc cảnh sát Italia phải can thiệp… Giấc mơ về miền đất hứa của người di cư quả thật quá nhiều chông gai.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục