
Gần đây, các loại sách tổng hợp, sách chuyên đề… lại xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Loại ấn phẩm nửa sách nửa báo này có mặt cả ở những nhà sách sang trọng lẫn các sạp báo, chiếu sách tuềnh toàng ngoài vỉa hè, một phần cho thấy sự trở lại của văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhưng mặt khác, chúng cũng gieo rắc nhiều nỗi kinh hoàng cho làng sách nước nhà.
Một nhu cầu có thật

“Sách tổng hợp” không chỉ có mặt ở sạp báo lề đường mà đã len cả vào những nhà sách sang trọng. Ảnh: BẰNG VÂN
Hoàng Anh Sướng - cây phóng sự của tạp chí Thế giới mới - trong khoảng hơn một năm nay, theo đuổi và thể hiện rất ấn tượng loạt bài về các nhà ngoại cảm của Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người bôn ba khắp từ Bắc chí Nam để tìm mộ, nhất là các danh nhân, các liệt sĩ… Loạt bài theo dấu tâm linh ấy đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo độc giả, nhưng lượng phát hành của Thế giới mới còn khá khiêm tốn nên rất nhiều độc giả không được sở hữu những quyển tạp chí có các bài viết ấy.
Nắm bắt được nhu cầu, anh liền cộng tác với Công ty quảng cáo Thanh Long (liên kết với NXB Hội Nhà văn) để in lại những bài viết thành những tập sách mỏng (120 trang) đưa ra sạp báo. Sách chưa ra lò nhưng đã hứa hẹn gây cơn sốt trong “cộng đồng sạp”.
Trước đó, những tập hồ sơ về vụ án ở PMU 18, vụ bán độ tại SEA Games 23, những vụ phá án của Interpol Việt Nam… của NXB Công an Nhân dân, đều được in tới hàng ngàn bản mà cũng nhanh chóng bán hết veo. “Mỗi tháng, chúng tôi ra mắt hai tập phóng sự xã hội và một tập chuyên đề an ninh trật tự với tên gọi “Vì bình yên cuộc sống”, đầu sách nào cũng in tới 5.000 cuốn và bán rất chạy” - một cán bộ của NXB Công an Nhân dân cho biết.
Không chịu kém cạnh, một loạt NXB: Lao động, Lao động - Xã hội, Nghệ An, Thanh Hóa… cũng háo hức vào cuộc, làm xôm thị trường sách sạp. Nội dung của các đầu sách này đều là những bài viết đã được đăng tải trên báo, những người biên soạn chỉ việc chọn lọc, chỉnh sửa lại chút ít rồi tập hợp để in thành sách chừng 120-130 trang, giá bán dao động từ 10.000-12.000 đồng/cuốn.
Công bằng mà nói, trong hàng ngũ sách mỏng này, có nhiều cuốn chất lượng tốt như những tập phóng sự - ký sự: Một chuyến đi vào lòng đất (Binh Nguyên), Vào “thủ phủ” Vàng Pao (Vũ Toàn), Tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm (Hoàng Anh Sướng)…
Và những chuyện bát nháo
Do lối làm ăn chụp giật nên thị trường sách mỏng này cũng đang đi vào vết xe đổ của loại sách ba xu thuở trước. Đó là những cuốn sách tập trung vào những chuyện vụ án, chuyện thế giới ngầm của dân ăn chơi thác loạn, chuyện giật gân…và sàn diễn của chúng là những sạp báo ven đường, trên tay những người bán dạo nơi ga tàu, bến xe… chủ yếu đáp ứng nhu cầu giết thời gian của đối tượng độc giả bình dân.
Lướt qua những cái tên sách, tít bài, chúng ta cũng đủ sởn da gà, nào: Phận kiều nữ bia ôm, Sài Gòn sau 0 giờ, Đời sương gió, Thú chơi thời thượng, “Thần dược” dành cho quý ông… Những cuốn sách dạng này thường trình bày lem nhem, minh họa bằng những ảnh đã in trên báo (vốn chất lượng không cao) nên khi in vào sách trông mờ mịt, lem luốc.
Với những bài viết thiếu ảnh thực (bởi tác giả ngồi một chỗ mà sáng tác) thì cái công nghệ minh họa của những người làm sách mới thật cười ra nước mắt. Bài viết về chuyện những gương mặt đen trong vụ án PMU 18 dan díu với giới chân dài thì người ta lấy luôn ảnh của những người mẫu quảng cáo ô tô, xe máy trong các hội chợ, làm nhòe mặt đi, in cạnh bài rồi chua “ảnh chỉ có tính minh họa”.
Nhưng ẩu nhất phải kể đến tập Người ba mắt (NXB Công an Nhân dân), bài viết Dê cụ trong làng báo, người ta lấy ngay ảnh một nhóm phóng viên đang chăm chú chụp ảnh nữ MC của một chương trình giao lưu truyền hình để đăng kèm, nhưng quái dị hơn cả là bài viết về thị trường đồ chơi tình dục, được minh họa bằng bức tranh vẽ nữ hoàng Ai Cập cổ đại – Cléopâtre (69-30 trước Công nguyên) đang yết triều. Thật liều lĩnh!
Mấy ngày mày mò xem thử một số cuốn sách ba xu, tôi tình cờ tìm thấy bài phóng sự Ai người cạy cửa ngủ thăm của mình vốn đã được đăng trên báo từ 3 năm trước. Cầm cuốn sách có bài viết của mình mà người tôi tái dại. Ai đời, bài viết lý giải về một mỹ tục độc đáo của đồng bào dân tộc Dao, lại bị những người làm sách biến thành một bài giật gân núp dưới cái tít “Đạp cửa tìm em” rồi đăng chung trong tập sách được trình bày nhem nhuốc viết về những chuyện ăn chơi trác táng của những thiếu gia, công tử.
Người ta tự động lấy bài viết của mình rồi bóp méo để in thành sách mà tôi không được hỏi ý kiến chứ đừng nói gì đến chuyện tác quyền. Đâu phải riêng tôi mà rất nhiều người cầm bút cũng chịu cảnh cười ra nước mắt khi trở thành nạn nhân của làng sách ba xu như thế.
Thị trường sách mỏng đã lộ rõ chân tướng của lối làm sách đen thuở trước: giật gân câu khách, vi phạm bản quyền... Nếu không được quản lý chặt, chúng sẽ trở thành con sâu làm rầu làng sách.
TUẤN HOÀNG