Nhập viện vì nắng nóng

Trẻ em, người già đổ bệnh

Khu vực miền Bắc và Trung bộ đang phải chịu đựng đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ nhiều nơi lên trên 40°C. Thời tiết nóng bức kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ và người già. Cùng với đó, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm não cũng bắt đầu vào mùa cao điểm, khiến nhiều bệnh viện quá tải.

Trẻ em, người già đổ bệnh

Khu khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng đông nghẹt người. Tiếng trẻ con khóc với thời tiết nóng bức khiến không gian vô cùng ngột ngạt. Các dãy ghế ngồi chờ trước các phòng khám không còn chỗ trống, thậm chí nhiều người còn chen cả vào phòng khám vì chờ đợi quá sốt ruột.

Một tay bế đứa bé mới 9 tháng tuổi, tay kia giữ chặt đứa con gái hơn 3 tuổi, chị Thanh (ở Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) than thở: “Trời nóng quá nên ở nhà bật quạt suốt ngày đêm, gió quạt bạt hơi làm cả hai đứa đều bị sốt và ho. Ba mẹ con tới bệnh viện ngồi chờ hơn 2 giờ rồi mà vẫn chưa tới lượt khám, trẻ bị bệnh đông quá”. Ngồi ngay gần chị Thanh, người nhà một bệnh nhi lặn lội từ Phú Thọ đưa trẻ đi khám, mệt mỏi nói: “Thời tiết nóng bức suốt cả tuần nay, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng đổ bệnh”.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 2.000 cháu, chủ yếu bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi, hen phế quản và sốt virus.

Cùng với đó, tại Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Bạch Mai, số người nhập viện điều trị các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra cũng tăng rất cao. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết những ngày gần đây lượng trẻ đến khám tăng cao gấp rưỡi so với ngày thường, mỗi ngày tại khoa Nhi có khoảng 300 bệnh nhi đến khám, thậm chí vào tối và đêm lượng bệnh nhân đến khám cũng trên 100 cháu. Trong số bệnh nhi tới khoa khám và điều trị, đa số là sốt cao, viêm đường hô hấp, tiêu chảy, ngoài ra cũng có nhiều trẻ bị lở loét, mụn nhọt, viêm da do thời tiết nóng bức gây ra.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, những ngày gần đây số bệnh nhân cao tuổi đến khám, chữa bệnh cũng tăng khoảng 30% so với ngày thường. Bệnh nhân đến khám chủ yếu là các bệnh tim mạch, huyết áp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa do thời tiết nóng nực gây ra.

Dịch bệnh căng thẳng

Theo Bộ Y tế, trong khi dịch sởi đang có xu hướng giảm dần thì dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) lại tăng đáng kể. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tuần qua cả nước đã ghi nhận thêm 1.794 trường hợp mắc TCM tại 59 tỉnh thành, tăng hơn 50% so với tuần trước, nâng tổng số người mắc TCM trong cả nước lên hơn 22.600 người với 2 ca tử vong.

Đáng lưu ý, số ca mắc TCM vẫn tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam chiếm trên 70% . Đối với dịch SXH, tuần qua cả nước cũng có hơn 402 ca mắc tại 33 tỉnh thành, nâng số người mắc SXH trong cả nước từ đầu năm 2014 tới nay lên trên 9.400 ca với 6 trường hợp tử vong. Đặc biệt, trong khi số trẻ mắc SXH ở khu vực miền Trung và miền Nam giảm thì miền Bắc lại tăng tới 23,1%

Dịch bệnh viêm não cũng đang vào mùa cao điểm, thống kê của Bộ Y tế đến nay cả nước ghi nhận 240 trường hợp mắc virus, với 4 trường hợp tử vong. Theo các chuyên gia dịch tễ, viêm não virus và viêm màng não mô cầu thường phát triển mạnh nhất vào mùa hè. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, nguy hiểm lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch. Đáng lo ngại hơn khi bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc và có tỷ lệ tử vong lên tới 15%.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục