Nhập viện vì tai biến thẩm mỹ

Nhu cầu làm đẹp tăng mạnh vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà các bệnh viện tại TPHCM phải tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do làm đẹp cấp tốc.

Nhiều vụ tai biến nặng

Tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Trưng Vương, Da liễu… gần đây thực hiện cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, Bệnh viện Nhân dân 115 đang tích cực điều trị một phụ nữ được chuyển đến từ một thẩm mỹ viện trên địa bàn quận 10 trong tình trạng lơ mơ, suy hô hấp nặng.

t4d-1761.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM thăm khám cho bệnh nhân bị tai biến sau tiêm filler

Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 3 trường hợp bị tai biến thẩm mỹ nghiêm trọng, gồm: một một phụ nữ hôn mê sâu sau khi thực hiện nâng ngực, gọt hàm, hạ gò má, nhổ răng khôn tại một bệnh viện đa khoa ở TPHCM; một phụ nữ trẻ ngụ tỉnh Đồng Nai bị mù mắt sau khi tiêm filler tại một cơ sở làm đẹp không phép và một nữ Việt kiều bị tai biến sau khi tiêm chất tan mỡ tại một spa ở quận 7.

Thống kê của Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đơn vị này tăng qua các năm: Năm 2023 là 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022, tăng 391 ca so với năm 2021 và tăng 200 ca so với năm 2020.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Phan Thúy, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Da liễu TPHCM, lo ngại, có đến 77,8% người gây tai biến thẩm mỹ nội khoa không phải là bác sĩ; 15,3% bệnh nhân không nhận định được đó có phải là bác sĩ hay không; tai biến do bác sĩ gây ra chỉ 6,9%. Các nguyên nhân gây ra tai biến có thể là do thiết bị lỗi, hỏng do không được kiểm định; sản phẩm chưa qua kiểm định; sự phối trộn giữa nhiều sản phẩm khác nhau, không đảm bảo điều kiện vô khuẩn; các cơ sở thẩm mỹ chưa được cấp phép.

Còn theo PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM, đa số các ca tai biến thẩm mỹ được thực hiện tại các cơ sở không phép, đó là các tiệm làm tóc, làm móng, cơ sở chăm sóc da nhưng vẫn thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật xâm lấn. Từ đó dễ dẫn đến các biến chứng như nhiễm trùng, hoại tử, tổn thương các bộ phận cơ thể như thủng mũi, mù mắt…

Nhiều thách thức trong quản lý

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại là do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, có 6.489 cơ sở hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép. Trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng...

t4c-13.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM thăm khám cho bệnh nhân

PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nêu 3 thách thức lớn đối với công tác quản lý hoạt động thẩm mỹ trên địa bàn, đó là: tình trạng quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động, quảng cáo trái phép trên mạng xã hội, dễ gây cho người dân hiểu nhầm và sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ chưa được thẩm định an toàn; hoạt động hậu kiểm đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ chưa được quan tâm và chú trọng đúng mức. Ngoài ra, hoạt động thẩm mũi chui ngày càng tinh vi, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan quản lý.

“Thẩm mỹ chui” trên địa bàn TPHCM không phải là vấn đề mới nhưng đã trở thành một hiện tượng thách thức với các cơ quan chức năng. Thẩm mỹ chui đang có xu hướng chuyển vào khách sạn, nhà trọ gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay.

Thực tế này đòi hỏi có thêm những giải pháp quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Cùng với đó, UBND quận huyện và TP Thủ Đức cần xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân trong lĩnh vực y tế để tiếp nhận hỗ trợ từ cộng đồng, kịp thời phát hiện dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động thẩm mỹ trái phép tại các khách sạn, nhà trọ. Các địa phương cũng cần khuyến khích người dân, người lao động tại khách sạn, nhà trọ chủ động cung cấp thông tin, phản ánh về những hoạt động đáng ngờ cho cơ quan chức năng.

Theo bác sĩ Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, để sử dụng dịch vụ làm đẹp an toàn, người dân lưu ý lựa chọn những cơ sở đã được cấp phép và kiểm tra thông tin về danh mục kỹ thuật trên cổng tra cứu thông tin điện tử của Sở Y tế TPHCM. Không tiếp tay cho những cơ sở không phép, người hành nghề không tuân thủ quy định pháp luật, núp bóng, trục lợi, lừa đảo (chẳng hạn đồng ý vào khách sạn hay các căn hộ để thực hiện dịch vụ thẩm mỹ); không lựa chọn cơ sở làm đẹp mà chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như “thẩm mỹ viện”, “viện thẩm mỹ”... Khi phát hiện, nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân có thể cung cấp thông tin qua đường dây nóng: 0989401155 hoặc qua ứng dụng Y tế trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục