Nhật Bản cần chiến lược kinh tế mới

Vài năm trước, Panel Bay - nơi tập trung các nhà máy sản xuất màn hình phẳng công nghệ cao ở TP cảng Amagasaki - là biểu tượng của sức mạnh sản xuất Nhật Bản. Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, rất nhiều nhà máy ở Panel Bay đã phải đóng cửa hoặc tạm ngừng sản xuất trong bối cảnh Hàn Quốc và Trung Quốc tăng cường chiếm lĩnh thị phần hàng điện tử.

Panasonic đóng cửa 2/3 nhà máy trong tháng 3; Sharp phải nhờ cứu trợ kinh tế từ một công ty công nghệ của lãnh thổ Đài Loan. Bầu không khí ảm đạm tại Panel Bay là dấu hiệu mới nhất về cái mà người Nhật lo sợ: nền kinh tế công nghiệp nặng suy thoái sau khi bong bóng kép bất động sản và trái phiếu vỡ tan đầu những năm 1990.

Sự trỗi dậy của các nền kinh tế lớn tại châu Á, dân số già và đồng yên tăng giá là những yếu tố khiến công nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn. Hơn thế, sự cố hạt nhân Fukushima hồi tháng 3 năm ngoái đang dấy lên nỗi lo về giá năng lượng tăng cao, thậm chí thiếu hụt năng lượng dành cho sản xuất. Bên cạnh đó, các tập đoàn lớn Nhật Bản điêu đứng vì giá nguyên liệu sản xuất cao.

Cuối tuần qua, Sony dự đoán sẽ lỗ 6,4 tỷ USD trong năm nay và nhiều khả năng sẽ cắt giảm 10.000 lao động - quyết định được cho là bước vào đường cùng bởi xã hội Nhật Bản luôn xem cắt giảm lao động là không thể chấp nhận.

Chung số phận với Sony, Toyota cũng phải nhường lại ngôi vị nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới cho General Motors (Mỹ) sau khi các dây chuyển sản xuất của Toyota bị sóng thần tàn phá. Toyota đã bị suy giảm lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện và xe giá thành thấp so với các đối thủ đến từ Hàn Quốc và nhiều nơi khác.

“Chúng tôi đang phải đối mặt với khủng hoảng về sản xuất, lực lượng lao động. Giờ đây, chúng tôi lo sợ rằng năng lượng sẽ là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội kinh doanh” - Tetsuya Tanaka, giám đốc bộ phận xúc tiến sản xuất tại Bộ Kinh tế - Thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), nói.

Trước tình hình trên, các nhà kinh tế Nhật Bản kêu gọi Nhật Bản cần có một chiến lược kinh tế mới. Masatomo Onishi, giáo sư kinh tế của Đại học Kansai cho rằng Nhật Bản có thể theo hướng nền kinh tế hậu công nghiệp hóa của Mỹ hoặc chuyên sản xuất các đồ cao cấp, đắt tiền như Đức và tuyệt đối không cạnh tranh với kiểu sản xuất hàng loạt với giá rẻ của Trung Quốc.

Yukio Noguchi, nhà kinh tế thuộc Đại học Waseda ở Tokyo, đã từng kêu gọi rằng thảm họa thiên nhiên năm 2011 là cơ hội để Nhật Bản chuyển hướng sang một nền kinh tế “mềm dẻo” hơn, nền kinh tế chú trọng dịch vụ như Mỹ.

Ông Noguchi cho rằng nếu Nhật Bản cứ đeo bám mô hình sản xuất hiện nay sẽ làm “tổn thương” kinh tế trong nước khi buộc phải cắt giảm lương và giá để cạnh tranh với các nhà sản xuất châu Á có chi phí thấp, góp phần làm gia tăng giảm phát - gánh nặng cho nền kinh tế Nhật Bản gần 2 thập kỷ qua.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhà kinh tế và quan chức Nhật Bản cho rằng việc thu hẹp các cơ sở sản xuất trong thời buổi kinh tế toàn cầu khó khăn là chuyện hết sức bình thường và không thể bỏ mô hình kinh tế hiện nay. Tập trung vào xuất khẩu đã giúp quốc gia nghèo tài nguyên như Nhật Bản liên tục thặng dư thương mại cho đến năm ngoái.

Mô hình kinh tế dựa trên sản xuất của Nhật Bản cũng đang được khá nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Keiichi Konaga, một “kiến trúc sư” chính sách công nghiệp Nhật Bản giữa những năm 1980 mô tả sản xuất là nền móng cho nền tài chính và các ngành dịch vụ khác. “Đó là lý do vì sao Mỹ phải tung tiền ra cứu General Motors”, chuyên gia Konaga nói.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục