IAEA sẽ cử thêm một nhóm chuyên gia đến giám sát phóng xạ
(SGGPO).- Chiều 23-3, công nhân tại lò phản ứng số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 buộc phải sơ tán ra khỏi khu vực nhà máy này. Đại diện Công ty Điện tực Tokyo (TEPCO) cho biết nguyên nhân chưa được xác định, nhưng sự cố trên xảy ta trong lúc các kỹ sư đang khởi động lại hệ thống làm mát của nhà máy Fukushima số 1.
Trước đó, ông Graham Andrew, trợ lý đặc biệt của Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết tình hình nhà máy Fukushima “vẫn rất nghiêm trọng”. Các chất phóng xạ tiếp tục thoát ra từ khu vực nhà máy này, nhưng chưa thể xác định chính xác nguồn gốc. IAEA cho biết sẽ cử thêm một nhóm chuyên gia giám sát phóng xạ tới Nhật Bản, phối hợp với nhóm thứ nhất đã tới Nhật Bản từ ngày 17-3, nhằm kiểm tra độ phóng xạ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thủ đô Tokyo và những vùng phụ cận.
Nước ở Tokyo không an toàn cho trẻ em, phát hiện phóng xạ trong 11 loại rau
Chính quyền thành phố Tokyo xác nhận đã phát hiện lượng iốt phóng xạ là 210 Bq/kg, vượt gấp đôi mức được xem là an toàn đối với trẻ sơ sinh trong nước máy ở thủ đô Tokyo (100 Bq/kg). Bộ Y tế Nhật Bản yêu cầu người dân không dùng nước máy để pha sữa hay chế biến thức ăn cho trẻ sơ sinh. Trước đó, giới chức y tế cũng đã phát hiện chất phóng xạ vượt giới hạn cho phép trong sữa tươi chưa qua xử lý tại tỉnh Ibaraki và 11 loại rau củ trồng ở tỉnh Fukushima, trong đó có bông cải xanh và cải bắp.
Bộ Y tế Nhật Bản khuyến cáo người tiêu dùng không ăn các loại rau củ này. Nếu một người mỗi ngày ăn 100gr các loại rau quả trên liên tục trong 10 ngày, họ sẽ đưa vào cơ thể tương đương một nửa lượng chất phóng xạ “hấp thụ” từ môi trường thiên nhiên trong một năm. Thủ tướng Nhật Naoto Kan cũng đã yêu cầu ngưng tất cả các chuyến hàng chở rau của qua và sữa chưa qua xử lý từ những khu vực gần vùng biển Thái Bình Dương, cách Đông Bắc thủ đô Tokyo 250 km.
Cùng ngày, giới chức tại Pháp và Iceland cho biết đã phát hiện phóng xạ lan tới các nước này, tuy nhiên vẫn chưa nguy hiểm đến sức khỏe con người. Lo ngại về thực phẩm nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản, Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hóa sản xuất tại những khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Pháp đã thúc giục Ủy ban Châu Âu (EC) tiến hành kiểm soát một cách hệ thống đối với việc nhập khẩu các sản phẩm tươi sống từ Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Những tin tức này ngay lập tức làm thị trường chứng khoán Nhật Bản ngày 23-3 giảm 1,6%.
Dân từ Tokyo đổ về Osaka
Osaka đã trở thành “đích đến” của hàng ngàn người muốn thoát khỏi Tokyo vì mối lo nhiễm phóng xạ và thiếu điện. Đây là thành phố lớn thứ 3 của Nhật và chỉ mất chưa đầy 3 giờ đi xe điện. Nhiều hãng hàng không lớn như Lufthansa, Alitalia đã đổi lịch trình các chuyến bay từ sân bay Narita ở Tokyo đến Osaka, biến thành phố này thành trung tâm vận tải chính của Nhật Bản trong những ngày này. Các khách sạn ở Osaka đều đã kín chỗ và nhiều hệ thống khách sạn lớn của Mỹ ở đây, như Ritz Carlton Osaka, cũng đã được “book” hết chỗ ít nhất đến vài tuần tới.
Inken Trebbin, môt nghiên cứu sinh người Đức đang theo học tại một trường đại học gần Tokyo đã rời bỏ thành phố này để đến Osaka. Cô đang tự hỏi không biết nên về Berlin như lời khuyên của cha mẹ cô hay ở lại Nhật Bản. Trebbin đã sống gần Tokyo được 6 tháng và chỉ còn 1 năm rưỡi nữa là tốt nghiệp. Nếu về Berlin, cô sẽ không thể quay lại Tokyo nữa. Cuối cùng Trebbin quyết định chờ ở Osaka.
|
Trebbin chỉ là một trong hàng ngàn người đã rời bỏ Tokyo trong những ngày gần đây vì thiếu điện, thiếu thực phẩm, vì dư chấn tiếp tục xảy ra và nhất là phóng xạ từ các lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, cách Tokyo 150 dặm về hướng Bắc. Những tin tức về việc phát hiện lượng phóng xạ trên mức giới hạn cho phép ở rau và sữa tại những khu vực gần các nhà máy hạt nhân đã làm nỗi lo sợ ngày càng dâng cao.
Trong khi nhiều chuyên gia hạt nhân nói rằng mức độ nhiễm phóng xạ ở Tokyo chưa cao để có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người thì nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp và Australia đã thúc giục công nhân của họ nhanh chóng rời khỏi Nhật Bản. Có quốc gia còn thuê hẳn máy bay riêng để đưa công dân của họ về nước. Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuẩn bị sẵn máy bay đậu ở các nước châu Á và cam kết với công dân của họ rằng tiền vé có thể được trả sau.
Cũng có một số đại sứ quán nước ngoài đã chuyển hoạt động của họ sang Osaka vào tuần rồi. Văn phòng lãnh sự quán của Áo ở Osaka bình thường rất yên ắng cũng trở nên rộn ràng vào thứ Sáu tuần trước khi hầu hết 30 nhân viên của đại sứ quán ở Tokyo đã được chuyển đến Osaka. Jutta Stefan-Bastl, đại sứ Áo ở Nhật Bản cho biết, họ dự định sẽ ở lại Osaka cho đến cuối tháng 4 tới. Theo Global Post, các hãng hàng không của Áo cũng hủy các chuyến bay đến sân bay Narita vì phi hành đoàn không muốn ở qua đêm tại Tokyo. Đã có 1/3 trong số 600 người Áo ở Nhật đã bay về nước sau khi động đất xảy ra. 1/3 số còn lại tiếp tục rời Tokyo để đến Osaka hoặc một số thành phố miền Nam khác.
Drew Anderson, một nhà thiết kế đồ họa trò chơi điện tử người Mỹ, đã sống ở Tokyo được 3 năm, cũng đã đến Osaka được vài ngày nay. Nhiều đồng nghiệp của anh cũng đã “tháo chạy” khỏi Tokyo đế về các thành phố miền Nam nước Nhật.
Không chỉ có người nước ngoài mới ồ ạt rời khỏi Tokyo. Nhiều gia đình người Nhật cũng quyết định ra đi cho đến khi tình hình được cải thiện. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người Nhật hiện nay là phóng xạ có thể tác hại lên trẻ con. Vợ chồng chị Yoko Takayama cùng với đứa con 3 tháng tuổi đã đến Kobe, một thị trấn cách Osaka 20 dặm vào cuối tuần trước. Chị và một nhóm bạn gồm các bà mẹ có con nhỏ hoặc sắp có con ở Tokyo đang tìm cách thuê một ngôi nhà ở thị trấn này để có thể ở lâu dài hơn.
Một số các công ty và các tổ chức phi lợi nhuận ở Tokyo cũng đã tạm thời đóng cửa hoặc chuyển hoạt động đến Osaka. Ngoài mối lo bị nhiễm phóng xạ, nếu ở lại Tokyo cũng không có điện để hoạt động. Việc hệ thống xe điện ở Tokyo bị gián đoạn đã khiến cho nhân viên các tổ chức từ thiện không thể đi quyên góp xung quanh thành phố.
H.Chi.
>> Khôi phục thành công nguồn điện cho các lò phản ứng của nhà máy Fukushuma số 1