Hội nghị APEC lần thứ 18 diễn ra tại thành phố Yokohama, Nhật Bản đã bế mạc ngày 14-11. Với các nước trong khu vực, đây là hội nghị quan trọng nhằm hướng đến những biện pháp cụ thể giúp nền kinh tế các nước phát triển bền vững, thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng. Riêng với Nhật Bản, đây là hội nghị đầu tiên kể từ khi xứ sở mặt trời mọc “nhường” danh hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho Trung Quốc sau khi liên tục giữ vị trí này từ năm 1968. Hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang đứng trước một kịch bản không mấy khả quan.
Gần đây, Nhật Bản được nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế cảnh báo có thể sẽ tạo nên một hiện tượng “Hy Lạp châu Á” với nguy cơ lâm vào khủng hoảng nợ công khá cao. Khoản nợ công mà Nhật Bản đang gánh chịu đã là 9.700 tỷ USD, tương đương 190% GDP nước này tính đến cuối năm tài khóa vào tháng 3-2010. Bộ Tài chính Nhật Bản thống kê rằng, số tiền nợ bình quân của người dân Nhật Bản là khoảng 84.000 USD. Dự tính, nợ công của Nhật Bản đến tháng 3 năm sau sẽ vượt qua mức 200% và đến năm 2015 là 250%.
Nợ công của các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và Anh là 93% và 76%. Của Trung Quốc là 19%. Nguyên nhân khiến nợ công tăng là do Nhật Bản liên tục tăng khối lượng phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách, trong khi nguồn thu từ thuế giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một thực tế mà Nhật Bản không thể phủ nhận, đó là nền kinh tế của họ đang bị bao quanh bởi yếu tố “3-D” mà quốc gia nào cũng e ngại. Đó là sự giảm phát (deflation), thâm hụt nghiêm trọng (staggering deficits) và dân số già (aging demographics). Trong xu hướng giảm phát, người tiêu dùng Nhật Bản ngại phải mở hầu bao để sắm sửa vì họ suy nghĩ đơn giản rằng: Việc gì phải mua món đồ ấy khi ngày mai nó lại giảm giá ngay thôi?
Hồi tháng 10, Chính phủ Nhật Bản công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế nước này tính đến tháng 8 đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. 18 tháng liên tiếp, CPI của Nhật Bản giảm. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động nội địa. Theo số liệu từ Chính phủ Nhật Bản, khoảng 1/3 số thanh niên trong độ tuổi 20-30 không có việc làm toàn thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Nhật Bản thuộc về nhóm thanh niên dưới 25 tuổi, độ tuổi lẽ ra được cống hiến nhiều nhất cho xã hội.
Một yếu tố nữa có ảnh hưởng mạnh đến giảm phát, gây nhiều hệ quả tiêu cực, tăng áp lực tìm và giữ việc làm đối với người lao động Nhật Bản hiện nay là tình trạng đồng yên ngày một tăng cao. Đồng yên tăng giá sẽ làm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản giảm đi và theo dự đoán của Viện Nghiên cứu kinh tế tài chính Nomura, lợi nhuận năm tài chính 2010 của 400 doanh nghiệp xuất khẩu chính ở Nhật Bản sẽ giảm 0,5%. Tình cảnh tương tự cũng đã diễn ra vào thập niên 90.
Thanh niên Nhật Bản ngày càng khó khăn để chạm đến tương lai tươi sáng. Anh Toshiko Kubo, 30 tuổi, nói với CNN rằng: “Chúng tôi không có những mục tiêu vì chúng tôi không còn ước mơ. Chúng tôi không biết cách để biến ước mơ thành hiện thực khi cuộc sống đang ngày càng khó khăn hơn”.
Như Quỳnh