Nhật Bản nâng cao vai trò với ASEAN

Hội nghị cấp cao Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar) vừa kết thúc với cam kết của Nhật Bản viện trợ 7,4 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải trong vòng 3 năm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 5 nước này với Nhật Bản.

Hội nghị cấp cao Nhật Bản và 5 nước tiểu vùng Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar) vừa kết thúc với cam kết của Nhật Bản viện trợ 7,4 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải trong vòng 3 năm, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa 5 nước này với Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng công bố 57 dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác trong khu vực với tổng số tiền là 2.400 tỷ yen (28,3 tỷ USD). Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải là nền tảng phát triển cho các nước tiểu vùng Mekong, chính vì vậy, Nhật Bản đã chọn hai lĩnh vực này làm trọng tâm, tạo điều kiện để cải thiện mức sống người dân trong khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực ASEAN.

Do chiến tranh nên khu vực hạ lưu dài 4.800 km dọc theo sông Mekong gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài và là khu vực nghèo hơn nhiều nơi khác ở Đông Nam Á. Nhận thấy được điều này, Nhật Bản cho rằng việc phát triển giao thông, trong đó có hành lang kinh tế Đông-Tây và hành lang kinh tế phía Nam là động lực chính để kết nối các nước tiểu vùng Mekong, tăng cường giao lưu kinh tế với bên ngoài. Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng: “Sự ổn định và phồn vinh của Đông Á không thể có được nếu tiểu vùng Mekong không có ổn định và thịnh vượng”. Ông cũng cho rằng tiểu vùng Mekong là trọng điểm trong viện trợ phát triển của Nhật Bản. Đặc biệt, trong hội nghị này, Nhật Bản cũng quyết định xóa nợ 3,7 tỷ USD cho Myanmar cũng như nối lại viện trợ phát triển cho nước này.

Trên bình diện rộng hơn, các bộ trưởng kinh tế Nhật Bản và ASEAN ngày 28-4 đã hoàn tất lộ trình, theo đó, đưa mục tiêu thương mại hai bên trong 10 năm tới tăng gấp đôi. Quyết định này đạt được trong cuộc họp tại Tokyo và sẽ được thông qua vào tháng 8 tới tại Campuchia. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yukio Edano nói tại cuộc họp báo: “ASEAN là cơ sở sản xuất quan trọng của chúng tôi và cũng là thị trường có sức tăng trưởng đáng kể”. Đàm phán giữa ASEAN và Nhật Bản về Hiệp định tự do mậu dịch (FTA) cũng đang có nhiều tiến triển và dự kiến sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm tới. So với Trung Quốc, FTA của Nhật Bản và ASEAN có phần chậm hơn.

Quan hệ ASEAN-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ quan trọng trong số các đối tác của ASEAN. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của ASEAN với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 203,9 tỷ USD năm 2010. Những cam kết tài trợ phát triển cũng như tăng cường đầu tư thương mại giữa hai bên sẽ là động lực tốt để sớm hình thành Cộng đồng ASEAN và xa hơn là Cộng đồng Đông Á. Quan trọng hơn, với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản mong muốn giúp các thành viên ASEAN giảm cách biệt chênh lệch về phát triển, nhất là với 4 nước mới gia nhập ASEAN gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (gọi tắt là CLMV). Nhiều dự án của Viện phát triển Nhật Bản đang tập trung vào khu vực này, xem đó là chiến lược ưu tiên.

Nền kinh tế ASEAN với trị giá hơn 2.000 tỷ USD trong năm 2011, lớn thứ ba của châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản và dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt hơn 3.000 tỷ USD. Vì thế ASEAN đang trở thành một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa các đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ để thể hiện vai trò của mình ở khu vực này ngày càng trở nên nóng bỏng và Nhật Bản không muốn thua trong cuộc đua này.

Thụy Vũ

Tin cùng chuyên mục