Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Nhật Bản, nợ công của chính phủ trung ương trong quý 4 năm 2013 tiếp tục phá kỷ lục của quý trước, lên gần 9.940 tỷ USD. Con số này gấp đôi GDP của Nhật Bản hiện nay là 4.640 tỷ USD. Chính sách kinh tế Abenomics vốn được ủng hộ sẽ đưa nền kinh tế Nhật Bản về đâu khi thời điểm áp dụng mức thuế tiêu dùng mới gần kề?
Nợ công nội địa
Trong thông điệp năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe nói Chính phủ Nhật Bản sẽ làm mọi khả năng để khắc phục giảm phát và khôi phục kinh tế. Ông cam kết sẽ cải cách đến mọi ngóc ngách của đất nước. |
Tổng số nợ công này gồm 8.290 tỷ USD trái phiếu chính phủ, 539 tỷ USD vay mượn từ các tổ chức tài chính và 1.100 tỷ USD từ hối phiếu hay kỳ phiếu có thời hạn 6 tháng. Đến cuối tháng 12-2013, trung bình mỗi người dân Nhật Bản nợ khoảng 78.100 USD. Theo Blommberg, nợ công của Nhật Bản hiện nay lớn hơn cả quy mô kinh tế của Anh, Đức, Pháp cộng lại. Vậy vì sao kinh tế Nhật Bản vẫn được đánh giá là nền kinh tế khỏe mạnh? Chính vì phần lớn nợ công của Nhật Bản thuộc về tay chủ nợ nội địa nên dù nợ công hơn 200% GDP, Nhật Bản vẫn chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha với mức nợ công xấp xỉ 100% GDP.
Bộ Tài chính Nhật Bản cũng đưa ra dự báo nợ công trong quý 1 năm 2014 sẽ tiếp tục tăng, đồng thời kêu gọi chính phủ sớm có biện pháp can thiệp kịp thời. Bộ này đánh giá Nhật Bản đang trong tình trạng xấu nhất giữa các nền kinh tế phát triển lớn. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda từng cảnh báo: “Nợ công gây ra khủng hoảng nghiêm trọng ở các quốc gia châu Âu không phải là chuyện của riêng ai. Nợ công đã ở ngay sát cạnh chúng ta từ rất lâu và đã đến lúc người dân hiểu rõ sự tăng phình của nó mỗi ngày”.
Từ những năm 1990, thời điểm mà Nhật Bản đối mặt với 3 khó khăn: tăng trưởng chậm, giảm phát, nợ xấu, người dân đã quen với số nợ công liên tục tăng. Sau đó, nợ công đổ về hỗ trợ cho các chương trình kích thích kinh tế nhằm chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008.
Quyết định khó khăn
Từ tháng 4 tới, thuế tiêu thụ ở Nhật Bản sẽ tăng từ 5% lên 8%. Đến tháng 10-2015, mức thuế sẽ là 10%. Quyết định quan trọng này được xem là hành động cụ thể để Chính phủ Nhật Bản thực hiện quyết tâm giảm nợ công. Việc nâng thuế lên mức 8% sẽ giúp nước này huy động được thêm 81.420 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, nó được đưa ra vào thời điểm quá nhạy cảm khi thị trường cần kích cầu. Vì thế, Chính phủ của Thủ tướng Abe cũng đồng thời tung gói kích thích mới trị giá gần 51 tỷ USD để giảm bớt cú sốc cho người tiêu dùng. Theo khảo sát của hãng tin Kyodo, 53,3% người được hỏi ủng hộ việc tăng thuế. Đây được xem là tín hiệu khả quan để hy vọng phục hưng nền kinh tế theo chính sách Abenomics.
Không chỉ có tăng thuế, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu cắt giảm chi tiêu 83 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 4-2014 đến tháng 3-2016. Bên cạnh việc thắt chặt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ nhằm đạt tỷ lệ lạm phát 2%. Ngoài mục tiêu lạm phát, một tác động khác từ chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) là đồng yên sẽ giảm giá mạnh, khiến cho các khoản nợ công trong nước dễ trả hơn.
Những động thái can thiệp từ Chính phủ Nhật Bản cho thấy Thủ tướng Abe không chủ quan đối với vấn đề nợ công. Người dân Nhật Bản phải chịu phần thiệt nhiều nhất khi phải chấp nhận thuế tiêu dùng tăng, nhìn giá trị thực của các khoản cho vay chính phủ mất giá. Tuy nhiên, điều mà chính sách Abenomics trông đợi lúc này là sự đồng lòng của người dân để Nhật Bản tạo được thế cân bằng vững chắc. Đáp lại, Thủ tướng Abe cũng đã có những kế hoạch cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm, hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp.
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)