Nhật Bản sẽ tăng cường hoạt động trên biển Đông như một phần trong nỗ lực duy trì một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp. Đây là tuyên bố được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đưa ra ngày 16-9 (giờ Việt Nam) khi bà có chuyến thăm lần đầu tiên tới Mỹ trên cương vị mới.
Tăng cường tuần tra, tập trận chung
Hãng Kyodo dẫn lời bà T.Inada cho biết, Nhật Bản sẽ tăng cường sự can dự ở biển Đông, nơi mà Tokyo và Washington cùng chia sẻ quan ngại trước những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, và sự can dự này bao gồm việc xây dựng năng lực cho các quốc gia ven biển. Nhật Bản cũng sẽ tăng cường hoạt động trên biển Đông thông qua các cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ cùng các cuộc tập trận trong khuôn khổ song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực.
Bà Inada cũng chỉ trích việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo trên biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi tháng 7 vừa qua liên quan đến vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines, trong đó khẳng định các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở biển Đông không có cơ sở pháp lý. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: “Những hành động của Trung Quốc đang cấu thành một nỗ lực có chủ ý, đơn phương thay đổi hiện trạng và làm suy yếu các quy tắc hiện hành”. Ngoài ra, bà Inada cũng đề cập đến việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản gần khu vực quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông trong thời gian gần đây. Quan chức này đồng thời cam kết Tokyo sẽ tiếp tục kêu gọi Bắc Kinh hành động như một đại diện của sự ổn định và thịnh vượng.
Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada phát biểu trước báo chí quốc tế trong chuyến thăm Mỹ
Mối nguy từ “Tam giác chiến lược”
Theo Sydney Morning Herald, trong chuyến công du châu Âu vừa qua, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã kêu gọi Liên minh châu Âu ủng hộ những nỗ lực đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông sau khi có cảnh báo về khả năng Bắc Kinh tiến hành cải tạo bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Bà J.Bishop cho biết, mặc dù có một số nước cũng tiến hành việc cải tạo đảo, đá nhưng “quy mô và tốc độ mà Trung Quốc thực hiện điều này không giống như bất kỳ một nước nào khác”.
Lý giải việc Trung Quốc ngấm ngầm biến bãi cạn Scarborough, đánh chiếm từ Philippines năm 2012, thành một cơ sở quân sự, đài RFI cho rằng một khi hoàn thành, bãi cạn này cùng với các cơ sở quân sự đã có tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam sẽ tạo thành một “Tam giác chiến lược” cho phép Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn biển Đông. Hơn thế, vùng biển này là tuyến hàng hải chính vận chuyển dầu mỏ từ Trung Đông tới Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Trung Quốc. Hơn 5.000 tỷ USD trao đổi thương mại được vận chuyển qua tuyến hàng hải này mỗi năm. Vì vậy ông Yoji Koda, cựu Phó đô đốc hải quân lực lượng phòng vệ Nhật Bản, đã cảnh báo rằng “tam giác chiến lược” mà Bắc Kinh muốn tạo ra ở biển Đông có thể trở thành một yếu tố làm thay đổi quan hệ giữa các cường quốc khu vực.
Ông Sean Liedman, chuyên gia phân tích quân sự và nguyên là sĩ quan hải quân Mỹ, đánh giá: “Việc Trung Quốc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và có thể cả bãi cạn Scarborough có được một mối lợi quân sự rất lớn trong thời bình, như mở rộng hoạt động tìm kiếm, xây dựng mạng lưới theo dõi, hỗ trợ hậu cần và lập các hệ thống chỉ huy và kiểm soát… Không nên đánh giá thấp mối lợi trong thời bình và trong giai đoạn chuẩn bị chiến tranh vì các giai đoạn này quyết định sự thắng lợi khi lâm chiến”.
VIỆT ANH (tổng hợp)