Nhật Bản: Tiềm lực quốc phòng mạnh

Sở hữu công nghệ quốc phòng tiên tiến
Nhật Bản: Tiềm lực quốc phòng mạnh

Ngày 10-4, tờ Chinadaily cho biết Nhật Bản đã sẵn sàng tiêu diệt tên lửa phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) nếu đi lạc vào lãnh thổ của Nhật Bản. Một câu hỏi được đặt ra là tiềm lực quốc phòng thực sự của Nhật Bản đến đâu và năng lực đánh chặn tên lửa Triều Tiên có thật hay chỉ hù dọa, gây sức ép để Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phóng vệ tinh?

Sơ đồ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa của Nhật Bản.

Sơ đồ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa của Nhật Bản.

Sở hữu công nghệ quốc phòng tiên tiến

Theo website militarytimes.com, Nhật Bản sở hữu những công nghệ quốc phòng hết sức tiên tiến. Trong Thế chiến II, Nhật Bản đã sản xuất 69.000 máy bay chiến đấu và có đến 107.000 kỹ sư. Sau chiến tranh, ngành chế tạo máy bay của xứ anh đào tiếp tục phát triển, gắn liền với các tên tuổi tập đoàn công nghiệp nặng như Sainin, Chuiqi và Hosi.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, công nghệ tiên tiến của Nhật Bản dư sức “bắt chước” chiến đấu cơ F-15, máy bay dò tìm tàu ngầm PC3 và trực thăng SH-60J của Mỹ. Mặt khác, Nhật Bản cũng có khả năng tự thiết kế và sản xuất những chiến đấu cơ 100% “made in Japan”. Sau Thế chiến 2, ngành đóng tàu của Nhật cũng phát triển với tốc độ chóng mặt, trở thành quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực này. Vì vậy, nếu Nhật Bản muốn tự mình sản xuất tàu chiến cũng không phải là việc quá sức.

Chiến lược quốc phòng của Nhật Bản có nhiều thay đổi sau Thế chiến II để phù hợp với tình hình quân sự tại khu vực và Hiến pháp chống chiến tranh của nước này. Ngoài ra, việc thay đổi chiến lược quốc phòng cũng được xem là động thái chứng tỏ Nhật Bản muốn tự khẳng định năng lực của mình, để không bị coi là núp bóng của Mỹ.

Để làm được điều này, Nhật Bản đã đổi Cục Phòng vệ thành Bộ Quốc phòng, tăng cường sức mạnh quân đội, trong đó chú trọng không quân và hải quân. Trong chiến lược quốc phòng 2010 - 2015, Chính phủ Nhật sẽ bổ sung thêm tàu ngầm, tàu khu trục và các chiến đấu cơ thế hệ mới. Ngoài ra, các trạm radar mới và pháo phòng không cũng được Nhật Bản bố trí dọc theo bờ biển của nước này.

Tuy nhiên, phát triển quốc phòng của Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi kinh tế sụt giảm trong gần 1 thập kỷ qua. Theo New York Times, kể từ năm 2001, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản đã giảm 5,2%. Để tăng cường cho hệ thống phòng thủ bờ biển phía Nam, Nhật Bản đã phải cắt giảm số binh sĩ, xe cơ giới…

Theo dự kiến, ngân sách quốc phòng 2012 - 2013 của Nhật Bản là 61 tỷ USD, tăng 0,6% năm 2011. Một phần trong số tiền này sẽ được dùng để trang bị một tàu khu trục, 1 tàu ngầm và 4 máy bay chiến đấu thế hệ mới, một phần trong kế hoạch trang bị 40 chiến đấu cơ thay thế các máy bay Phantoms F-4 lỗi thời.

Sẵn sàng đánh chặn

Tờ Japan Times cho biết, với các tàu khu trục thế hệ Aegis và hệ thống tên lửa đất đối không Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3), Nhật Bản đủ khả năng phá hủy các mảnh vỡ của tên lửa, thậm chí cả tên lửa của Triều Tiên nếu đi lạc vào lãnh thổ của Nhật Bản.

Để bảo đảm cho việc đánh chặn, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã triển khai 7 dàn PAC-3 tại Okinawa và Tokyo. Thêm vào đó, 3 tàu khu trục trang bị hệ thống tác chiến Aegis với tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 (SM-3) neo đậu tại biển Nhật Bản và khu vực xung quanh Okinawa.

Cả PAC-3 và SM-3 sẽ dựa vào những dữ liệu thu thập được từ hệ thống radar công nghệ cao của hệ thống Aegis để dò tìm tên lửa và sau đó tiêu diệt. SM-3 có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay ở độ cao 300km, trong khi PAC-3 có tỷ lệ thành công gần 100% khi đánh chặn các tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng đã triển khai hệ thống lá chắn tên lửa vào cuối tháng 3 vừa qua để bảo vệ an toàn cho người dân, tài sản cũng như ứng phó khẩn cấp mọi tình huống có thể xảy ra. Trong lần chống tên lửa Triều Tiên lần này, Nhật Bản cũng sẽ cho chạy thử hệ thống cảnh báo khẩn cấp J-Alert, theo đó có thể cung cấp thông tin nhanh chóng cho các cộng đồng dân cư, đảm bảo an toàn cho người dân đặc biệt ở Okinawa (nơi dự đoán tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên sẽ bay ngang qua).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka thừa nhận hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật hiện không thể bảo vệ “toàn bộ mọi ngóc ngách” của Nhật Bản. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Motoaki Kamiura cho rằng PAC-3 và SM-3 không đủ sức tạo nên tấm khiên vững chắc.

Chuyên gia Kamiura phân tích, trong khi PAC-3 thiết kế tiêu diệt mục tiêu cao 300km, nhưng tên lửa của Triều Tiên bay cao đến 370km như vào năm 2009. Trong khi đó, SM-3 sẽ không thể đánh trả chính xác được tên lửa tầm bắn 20km.

Tuy nhiên, ông Kamiura cũng cho biết khả năng các bộ phận hoặc mảnh vỡ của tên lửa Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản là không cao. Tên lửa của Triều Tiên có thể đi qua Okinawa nhưng tầng đầu tiên sẽ rơi vào vùng biển Hoa Đông và tầng thứ 2 sẽ vào vùng biển phía Đông Bắc của Philippines.

Tờ Hongkong Gazette cho rằng việc Tokyo tuyên bố bắn chặn tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên chỉ là lời hù dọa, một biện pháp tăng sức ép để Triều Tiên hủy kế hoạch, hoặc cùng lắm là một cuộc “triển lãm” vũ khí hiện đại và công nghệ quân sự.

Tờ này cũng đưa ra một kịch bản mang tính chất hòa bình: Triều Tiên tuyên bố phóng vệ tinh thành công mừng lễ sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, các nước phương Tây hoàn thành việc trao đổi thông tin tình báo và phối hợp điều động, kiểm tra khả năng tác chiến hợp đồng đa binh chủng (hải, lục, không quân), tuyên bố theo dõi toàn bộ quá trình phóng vệ tinh của Triều Tiên, không phát hiện dấu hiệu bất thường, cũng không tiến hành bắn chặn.

Tiềm lực quốc phòng Nhật Bản qua các con số

Quân số: 155.000 người.

Bộ binh: xe tăng: 902; xe chở lính: 480; pháo phòng không: 480 khẩu.

Không quân: 1.953 các loại máy bay.

Hải quân: tổng cộng 110 tàu; tàu ngầm: 16; khu trục lớn: 10, khu trục nhỏ: 36.

Theo Globalfirepower.com

Đỗ Văn (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục