Russia Today vừa đưa tin, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang chuẩn bị kế hoạch di dời 400 tấn nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng hạt nhân số 4, thuộc tổ hợp Nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Đây là nhiệm vụ đầu tiên TEPCO phải thực hiện để dỡ bỏ những thanh nhiên liệu ra khỏi các lò phản ứng bị hư hại nặng nhất, nhằm đảm bảo không tiếp tục rò rỉ phóng xạ gây hại cho môi trường.
Những lo ngại
Công việc được tiến hành vào đầu tháng sau, dự kiến mất khoảng 100 ngày. Từng thanh nhiên liệu sẽ được tháo dỡ nhờ vào cần cẩu treo bên trên tòa nhà chứa lò phản ứng bị hư hại. Các thanh nhiên liệu phải được giữ ngập trong nước và không chạm vào nhau hay vỡ ra, vì mọi sự cố xảy ra vào thời điểm này có thể gây ra một vụ nổ còn tệ gấp nhiều lần so với vụ xảy ra hồi tháng 3-2011.
Việc tháo dỡ các thanh nhiên liệu được tiến hành trong bối cảnh hàng loạt vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đưa Chính phủ Nhật Bản rơi vào tình thế khó khăn, sau tuyên bố tình hình ở khu vực này đã được hoàn toàn kiểm soát. Như vậy, ở thời điểm này, mức độ an toàn khi sử dụng điện hạt nhân vẫn chưa thể được kiểm chứng.
Theo Đài truyền hình NHK, trong một động thái gây bất ngờ, lần đầu Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản mở cửa tiếp nhận sự giúp đỡ của nước ngoài, nhất là từ các nhà khoa học, để giải quyết vụ rò rỉ nước nhiễm xạ tại Fukushima. Tuyên bố được đưa ra sau khi các nhà điều hành Nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima thừa nhận khoảng 430 lít nước nhiễm xạ đã bị rò rỉ từ một bể chứa của nhà máy này và không loại trừ khả năng lượng nước nhiễm xạ đã chảy ra Thái Bình Dương. Nguyên nhân vụ rò rỉ do đã tính toán sai khả năng tích trữ của bể chứa đang nghiêng sang một bên. Bên cạnh đó, mức độ nhiễm phóng xạ ở các hồ kỹ thuật xung quanh nhà máy đã đạt mức 400.000 becquerel/lít, cao gấp 6.500 lần so với mức cho phép.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết gây bất lợi, kết cấu Nhà máy điện Fukushima số 1 sau trận thảm họa kép (động đất và sóng thần) đã yếu đi rõ rệt khiến các kỹ sư không thể can thiệp vào cấu trúc của công trình. Nước từ biển thường xuyên được bơm vào nhà máy để làm mát 2 lò phản ứng còn lại nhưng công việc này lại dẫn tới rò rỉ phóng xạ từ nước ra môi trường bên ngoài. Trước sức ép của dư luận, Chính phủ Nhật Bản buộc phải tạm nói không với điện hạt nhân từ giữa tháng 9 và chưa biết khi nào mới khôi phục nguồn năng lượng chiếm hơn 30% sản lượng điện của nước này.
Từ năm 2011 đến nay, vấn đề tranh cãi điện hạt nhân vẫn diễn ra thường xuyên trên đất nước mặt trời mọc. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, phần lớn người dân Nhật Bản muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và phản đối việc cho những lò phản ứng này hoạt động trở lại. Việc Thủ tướng Shinzo Abe cam kết xử lý an toàn Nhà máy điện hạt nhân Fukushima được ví như hình thức đặt cược. Lý do, nếu chính quyền Nhật Bản khắc phục thành công tình trạng rò rỉ phóng xạ, tất nhiên các chính khách sẽ có cơ hội để ủng hộ kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân một lần nữa. Còn nếu không, lẽ dĩ nhiên Nhật Bản phải đứng trước việc nói không với điện hạt nhân về lâu dài.
Nhằm trấn an dư luận cũng như mối quan ngại của các chuyên gia hạt nhân trong và ngoài nước, Thủ tướng Abe đã tập hợp các thành viên trong đội ứng phó với thảm họa hạt nhân để thống nhất về cách ứng phó của chính phủ. Với khoản “cứu trợ” khẩn cấp 50 tỷ yên, đội ứng phó sẽ phong tỏa khu đất xung quanh các tòa nhà chứa lò phản ứng để ngăn nước ngầm xâm nhập. Các nhà khoa học sẽ đưa chất làm lạnh đặc biệt qua các đường ống dưới lòng đất để tạo ra một bức tường băng ngăn dòng chảy nước ngầm. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ cấp vốn cho dự án nâng cấp hệ thống khử phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Quyết định trích 50 tỷ yên từ quỹ khẩn cấp trong ngân sách tài khóa 2013 - 2014 được đưa ra giữa lúc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang gồng mình để duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP trung bình ở mức 3% trong giai đoạn 2013 - 2022.
Khó khăn tìm lối ra
Việc đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ phải lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn. Giá điện tăng cao cùng sự bất ổn của các nhà máy điện hạt nhân khiến người dân nước này vô cùng lo lắng. Một số nhà phân tích cảnh báo kinh tế Nhật Bản có thể sụt giảm mạnh trong 3 tháng cuối năm do chính phủ phải tăng cường nhập khẩu xăng dầu và than đá để phục vụ cho việc cung cấp điện. Nhưng theo chuyên gia hạt nhân Tetsunari Iida, Giám đốc Viện Chính sách năng lượng bền vững, lý lẽ cho rằng nền kinh tế sẽ đi xuống nếu không có điện hạt nhân là thiển cận. Nếu chúng tôi gặp một thảm họa tương tự Fukushima thì Nhật Bản sẽ hứng chịu tổn thất lớn hơn nhiều và đánh mất sự tín nhiệm toàn cầu.
Khác với nước Đức, tiến trình loại bỏ điện hạt nhân của Nhật Bản khó diễn ra thuận lợi hơn, vì từ trước đến nay Nhật Bản chỉ tập trung phát triển năng lượng hạt nhân mà khá “thờ ơ” với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Việc đóng cửa dễ dàng các lò phản ứng hạt nhân là do Chính phủ Đức đã có kế hoạch dự phòng các nguồn năng lượng tái sinh mới như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Sau thảm họa Fukushima, châu Âu cũng đã lập kế hoạch tránh phụ thuộc vào điện hạt nhân.
Đến năm 2050, châu Âu sẽ sử dụng 50% năng lượng gió trong tổng cán cân năng lượng (nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân, điện mặt trời...). Hiện nay, năng lượng gió tại EU mới chiếm khoảng 5,3% tổng năng lượng được sử dụng tại đây. Theo dự báo, đến năm 2020 con số này có thể tăng lên 3 lần và ở mức 18,4%. Hiện tại, Đức và Italia là hai nước có ngành năng lượng gió phát triển nhất và chiếm một nửa năng lượng gió của toàn châu Âu.
Trong khi đó, sau sự cố Fukushima, Chính phủ Nhật Bản mới bắt đầu đưa ra một dự thảo chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, hiện những ngành năng lượng tái tạo của nước này đang tồn tại nhiều khó khăn và bất ổn. Về năng lượng mặt trời, Nhật Bản đã khởi phát nguồn năng lượng này từ khoảng những năm 1980, nhưng sau đó vì mải tập trung cho điện hạt nhân nên Nhật Bản đã tụt hậu khá xa so với châu Âu. Tính theo công suất điện mặt trời trên đầu người thì Nhật Bản vẫn đứng thứ hạng thấp trên thế giới. Việc phát triển điện gió, Nhật Bản cũng gặp không ít khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, hạn chế của lưới điện và suy giảm kinh tế.
PHƯƠNG NAM