“Nhật ký trong tù” và những lời bình

“Nhật ký trong tù” và những lời bình
“Nhật ký trong tù” và những lời bình ảnh 1

“Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm văn học đặc sắc, kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa chất anh hùng ca và chất trữ tình sâu lắng  nét bình dị, trong sáng , gần gũi và sự hàm súc, uyên thâm; phong cách thơ trang trọng với nét châm biếm sắc sảo; chất tinh hoa cổ thi và tính hiện đại của thơ. Ước mong tìm hiểu một cách có hệ thống và toàn diện vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm “Nhật ký trong tù” luôn là niềm khao khát của nhiều thế hệ người Việt Nam…

Nhật ký trong tù và những lời bình (NXB VH-TT) do Nguyễn Bích Hằng tuyển soạn là một tuyển tập gồm 25 bài viết nghiêm túc, xúc động, sâu sắc về tác phẩm Nhật ký trong tù của tác giả, giáo sư, các nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam như : Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Lê Đình Kỵ, Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoàng Xuân Nhị, Vũ Quần Phương, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Anh Đào, Vũ Khiêu, Hà Minh Đức…

Qua những bài viết trên nhiều bình diện về Nhật ký trong tù, bạn đọc có dịp hiểu sâu hơn, kỹ hơn, đầy đủ hơn về tâm hồn, trí tuệ và nhân cách của Bác Hồ. Năm 1960, trong bài viết của mình, nhà nghiên cứu Trần Huy Liệu đã phân tích: “Nhiều người chúng ta chắc đã được đọc những tập ký sự trong nhà tù của các nhà ái quốc hay chính khách Đông Tây. Nhiều người chắc đã được đọc nhiều bài thơ của các chính trị phạm của ta dưới thời thuộc Pháp. Chuyện nhà tù và thơ là hai món mà người đọc thường ưa thích. Nhưng những quyển ký sự khác thường là viết bằng văn xuôi, đôi khi có điểm một số bài thơ chứ không viết thành thơ. Quyển Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch thì lại là một tập thơ: ghi việc bằng thơ, nói chuyện bằng thơ.

Nó có khác ở chỗ ấy, hay nói đúng hơn “thú vị” ở chỗ ấy… Đọc tập thơ của Hồ Chủ tịch, chúng ta không thấy những bài thuộc loại “hô to gọi giật” như thường thấy ở một số nhà cách mạng khác mà là những lời lẽ bình dị, mộc mạc rất dễ hiểu và dễ cảm. Những chữ Hán dùng trong thơ phần nhiều cũng là bạch thoại chứ không chất chứa những điển tích hay những câu chữ cầu kỳ. Chúng ta thấy Bác “đọc” ra thơ hơn là “nghĩ” ra thơ. Nếu câu nói “thơ là người” là đúng thì thơ của Bác cũng phản ánh tính chất giản dị của Bác”.

Theo nhà phê bình Hoài Thanh, “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”. Ông còn khẳng định thêm “Tập thơ Nhật ký trong tù “đứng vô song trong văn học nước ta vì nó là những tiếng tâm hồn của Hồ Chủ tịch.

Trên trường thơ thế giới, nó cũng gây những sóng dội vang đặc biệt : ông Pierre Segher - Giám đốc một nhà xuất bản lớn ở Pháp và là một nhà thơ đã gửi đến một bức thư “Kính thưa Chủ tịch và thưa Nhà thơ thân mến” để xin phép Bác được in tập thơ ấy ra tiếng Pháp và nói: “Tôi có cái duyên được đọc “Nhật ký trong tù” dịch ra tiếng Pháp, những bài thơ ấy đã xáo trộn cả tâm hồn tôi”.

Trong tuyển tập, còn có rất nhiều tư liệu thú vị về tác phẩm này. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết “Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược nhận thấy trong Nhật ký trong tù có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào trong tập thơ của những thi nhân đời Đường, đời Tống thì khó mà phân biệt được. Dĩ nhiên, đó không phải chỉ là nhận xét về chỗ tương đồng giữa thơ Bác với thơ cổ điển của Trung Hoa về bút pháp, phong cách mà còn là một cách đánh giá cao về phẩm chất nghệ thuật của Nhật ký trong tù.

Nhưng thơ Bác đâu phải chỉ có Đường với Tống. Những độc giả sành sỏi, nhất là độc giả phương Tây lại nhìn thấy ở thơ Người, bên cạnh màu sắc cổ điển là “tính chất táo bạo hiện đại”. Người ta còn tìm ra trong nhiều vần thơ của Bác chỗ này có chất u-mua của người Anh, chỗ kia phảng phất nụ cười của người Pháp v.v… Mà tất cả đều là sự thật”.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục