Nhếch nhác những di tích

Nhếch nhác những di tích

Thiếu sự quản lý, giám sát cũng như việc đầu tư chưa đồng bộ đã khiến một số di tích lịch sử ở các tỉnh miền Trung trở thành nơi chăn thả gia súc, thậm chí phát sinh các tệ nạn xã hội khiến nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng.

Hàng chục năm qua, lãnh đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) tỏ ra bất lực trước tình trạng hàng ngày có nhiều người dân ở xã Đồng Lộc ngang nhiên chăn thả đàn trâu, bò ngay trong khuôn viên di tích. Điều này đã khiến cơ sở hạ tầng, cây cảnh nơi đây bị hư hỏng, nhếch nhác, làm mất đi sự tôn nghiêm và tạo hình ảnh không đẹp trong lòng du khách mỗi khi về đây dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ.

Người dân vô tư chăn thả bò trong khuôn viên Di tích Ngã ba Đồng Lộc

Ông Võ Công Tứ, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, bức xúc cho biết, ban quản lý “cũng không biết làm cách gì nữa”. Mặc dù đã rất nhiều lần có công văn gửi lên huyện Can Lộc và chính quyền xã Đồng Lộc đề nghị nghiêm cấm người dân chăn thả gia súc trong phạm vi khuôn viên di tích; thậm chí còn có chính sách hỗ trợ lực lượng công an xã, xóm để tổ chức bảo vệ, tuy nhiên đều không có kết quả. Giải pháp tình thế hiện nay là ban quản lý phải cắt cử 2 bảo vệ túc trực để xua trâu, bò ra khỏi di tích. Thế nhưng đuổi phía trước thì phía sau người dân lại lùa trâu, bò vào chăn thả. Ban quản lý không có chức năng xử phạt nên không còn biện pháp hữu hiệu nào khác.

Cách Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc khoảng 40km, có cụm tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng (tọa lạc tại đồi thông Động Voi, ở thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) do UBND huyện Vũ Quang làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng năm 2009 trên diện tích 3,8ha, vốn đầu tư khoảng 30 tỷ đồng. Cụm có 3 tượng chính là tượng nhà yêu nước Phan Đình Phùng và 2 nghĩa sĩ Cần Vương cao 15,3m, nặng hơn 1.200 tấn đều được đúc bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa… Đây là công trình thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân của nhân dân huyện Vũ Quang nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung đối với công lao của nghĩa quân Phan Đình Phùng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Theo kế hoạch, năm 2010 công trình sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ xong phần tượng và móng; còn lại rất nhiều hạng mục khác như hệ thống điện chiếu sáng, cầu thang, sân nền, tường… thi công dang dở rồi ngừng lại. Nguyên vật liệu chưa sử dụng nằm ngổn ngang dưới nắng mưa đã hư hỏng; tại nhiều hạng mục xuất hiện các vệt chắp vá, bong tróc, nứt nẻ, sụp lún trông rất nhếch nhác, mất mỹ quan. Tệ hơn, do không có ai bảo vệ nên tại đây có nhiều người nghiện đến tiêm chích ma túy khiến nhân dân địa phương bức xúc, lo lắng.

Tượng đài chiến thắng sông Gianh (biểu tượng chiến thắng trận đầu của quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam) đặt ở phía Bắc cầu Gianh, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) nhiều năm rồi cũng trở nên hoang tàn, vắng lặng giữa đồng không mông quạnh. Vừa qua tượng đài được tu bổ lại từ nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, sau khi bàn giao lại cho địa phương quản lý, nơi đây vẫn không thu hút được du khách do đường vào chưa thuận lợi, không có hướng dẫn, không bảo vệ nên chỉ có… trâu bò vào gặm cỏ, gây phản cảm.

Còn tại Thừa Thiên - Huế, tượng đài vua Quang Trung tọa lạc tại Núi Bân thuộc địa phận phường An Tây (TP Huế) thời gian gần đây do quản lý lỏng lẻo nên nhiều đối tượng tiêm chích ma túy đã chọn làm “bãi đáp” lý tưởng. Chị Vân, nhân viên vệ sinh ở đây cho biết, sáng nào cũng thu gom một lượng lớn kim tiêm đã sử dụng vứt quanh các bồn hoa bên dưới tượng đài, nhiều ống tiêm còn dính cả máu. Không những thế, ngay tại các di tích như: bia trước Trường Quốc học, lăng Vạn Vạn, những vọng lâu cầu Dã Viên… do thiếu đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng nên cũng trở thành nơi để các con nghiện tụ tập hút, chích mỗi đêm. Người dân sống quanh các khu di tích trên đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng vẫn chưa thấy có sự vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn.

Đối với cụm tượng đài nhà yêu nước Phan Đình Phùng, ông Phạm Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) cho biết, đây là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa lớn, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng để sớm hoàn thành, nhưng do thiếu vốn nên nhiều hạng mục thi công dang dở hoặc phải tạm dừng thi công.

DƯƠNG QUANG - VĂN THẮNG - MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục