- Hỏi: Xin cho biết cách nhận diện và biện pháp phòng trừ bệnh nhện hại cây quýt?
(Một số nông dân huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời: Nhện có chiều hướng phát triển gây hại nặng nhiều loại cây trồng như rau, dưa, đậu, bông vải, cao su, khoai mì, cây ăn quả… Nhưng nghiêm trọng nhất là nhện hại cam quýt, nho, đu đủ; nhện đỏ hại trà; nhện gié hại lúa và nhện hại hoa hồng, hoa huệ. Việc phòng trừ nhện hại cây gặp nhiều khó khăn do chúng có kích thước rất nhỏ, mắt thường đôi khi không thấy.
Chúng thường bám mặt dưới lá và gây hại bằng cách chích hút nhựa, cây bị héo vàng. Một số trường hợp nhện còn gây hại trên hoa và chích hút vỏ trái (như trên vỏ trái cam, quýt gây hiện tượng da cám, da lu), giảm năng suất và chất lượng trái. Nhện có nhiều loại: vàng, trắng, nâu, nhưng nhện đỏ là phổ biến. Nhện non và nhện trưởng thành đều gây hại cây bằng cách gặm vào biểu bì lá và hút nhựa, nhất là các lá non.
Triệu chứng: Thường thấy là lá non nhỏ và xoăn lại, đường gân lá nổi gồ lên, phiến lá có đốm trắng bạc; lá già sớm bị vàng và rụng, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng cây. Vòng đời nhện hại cây trồng tương đối ngắn, trung bình chỉ 15 - 20 ngày. Nhện trưởng thành có thể sống đến 20 ngày và đẻ trứng liên tục, một con cái có thể đẻ vài trăm trứng, tạo thành các lứa nối tiếp nhau với mật độ cao. Nhện phát triển thích hợp trong điều kiện nóng và khô, mùa mưa nhện ít hơn mùa nắng. Trong tự nhiên có nhiều loại thiên địch (bọ rùa…) để khắc chế nhện, nhưng do bà con lạm dụng nhiều loại thuốc, không giết được nhện, chỉ giết côn trùng nên nhện có điều kiện phát triển.
Phòng trừ:: Không để vườn ruộng khô, tạo độ ẩm và khí hậu mát cho vườn cây bằng cách tưới phun lên cây. Biện pháp này rất có hiệu quả trong việc hạn chế sự phát triển của nhện, ngay cả khi nhện đang phát triển nếu tưới phun nước cũng hạn chế nhện khá tốt. Tỉa thu gom các cành lá bị nhện hại nặng tập trung đốt để hạn chế nguồn nhện lây lan. Khi nhện phát triển gây hại, dùng thuốc hóa học là cần thiết, nhưng nếu dùng không đúng sẽ có tác dụng ngược lại. Vì vậy, cần chọn đúng thuốc. Hiện có những loại thuốc chuyên trị nhện, không hại thiên địch như các loại dầu khoáng SK EnSpray 99 EC, DC Tron Plus; thuốc gốc lưu huỳnh: Sulox 80WP, Kumulus; và các loại thuốc đặc trị nhện như Saromite 57EC, Ortus…
Khi phun thuốc trừ nhện cần phun nhiều nước và lưu ý phun mặt dưới lá là nơi nhện tập trung gây hại. Trước đây ở các vùng trồng trà, nông dân thường sử dụng Kelthan để trừ nhện nhưng hiện nay thuốc này đã bị hạn chế sử dụng do hại thiên địch.
Th.S Nguyễn Ngọc Thùy
(Công ty cổ phần BVTV Sài Gòn)