Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải

Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất là quản lý đô thị

Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất là quản lý đô thị

“Mặc dù nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp là quản lý phát triển kinh tế-xã hội, thế nhưng qua thực tiễn và với đặc điểm quy mô đô thị lớn như TPHCM cho thấy: Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất hiện nay là quản lý đô thị”, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải  mở đầu câu chuyện với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn sự khó khăn, phức tạp đó?

Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất là quản lý đô thị ảnh 1

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Hải.

- Chủ tịch UBND TPHCM LÊ THANH HẢI: Theo tôi, đối với TPHCM hiện nay, trong công tác quản lý Nhà nước, nhiệm vụ quản lý đô thị quan trọng bậc nhất, khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với nhiệm vụ quản lý và phát triển kinh tế, bởi nó bao gồm rất nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân như quy hoạch, xây dựng, giao thông, cung cấp nước, xử lý rác, nước thải, môi trường,… Đứng về góc độ một người điều hành chính quyền, ai cũng muốn phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững nhưng đi kèm theo đó – quan trọng hơn và là mục đích: Chất lượng cuộc sống người dân phải tăng theo.

Nhu cầu người dân của đất nước ta, thành phố ta hiện nay không chỉ là đủ ăn, đủ mặc nữa mà phải là ăn ngon, mặc đẹp, sống trong môi trường trong lành, an toàn, có nhiều dịch vụ để lựa chọn. Thành phố phát triển, các ngành kinh tế tăng trưởng, đặc biệt là các ngành dịch vụ – thương mại – du lịch,… và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, v.v… yêu cầu đặt ra là cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phải đáp ứng yêu cầu phát triển.

Là người lãnh đạo cao nhất chính quyền thành phố, ông rút ra bài học gì về công tác quản lý đô thị của chúng ta trong thời gian qua?

- Với những thành tựu cũng như những tồn tại và yếu kém, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học bổ ích qua hoạt động thực tiễn. Một trong những điều tôi tâm đắc nhất là ngày càng thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt đối với chức năng của chính quyền thành phố về quản lý đô thị. Do vậy, khi đưa ra các chương trình, dự án liên quan đến công tác quản lý đô thị, bao giờ chính quyền thành phố cũng đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết và vì chất lượng cuộc sống của nhân dân; nhiệm vụ của chính quyền là phải lo về an sinh xã hội.

Mục tiêu là như vậy nhưng thực tế người dân lại rất khổ vì các dự án, chương trình, quy hoạch,...

- Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Dù thành phố đã tập trung nguồn lực để đầu tư nhưng hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đáp ứng so với yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Công tác quy hoạch đô thị, quản lý, thực hiện quy hoạch của bộ máy chính quyền các cấp còn yếu kém, làm phát sinh tình trạng xây dựng tự phát trong dân cư, thiếu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội chung của thành phố, làm phát sinh những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường, giao thông, tiện ích công cộng và các vấn đề xã hội khác.

Các chương trình và công trình trọng điểm về phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị phần lớn đang trong quá trình triển khai xây dựng như công trình Đại lộ Đông Tây, chương trình chống ngập và thoát nước đô thị, xử lý rác, cung cấp nước sạch, chống kẹt xe nội thị, v.v…

Việc triển khai chưa đồng bộ một số chương trình và công trình trọng điểm đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh. Hiện nay, trên địa bàn thành phố, tình trạng ngập nước, ô nhiễm nước và không khí ở một số khu vực còn nặng, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống dân cư.

Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy nhu cầu vốn để đầu tư cho các chương trình, công trình rất lớn, trong khi nguồn lực của thành phố hạn chế nên rất khó khăn trong việc thực hiện nhanh, đồng bộ, nhất là những chương trình, công trình có nhu cầu lớn về vốn; thí dụ như theo quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đô thị do một công ty tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đã được thành phố và Bộ Giao thông - Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, thì để chống kẹt xe cần phải đầu tư khoảng 10 tỷ USD; chương trình chống ngập nước trong mùa mưa, chỉ riêng dự án thoát nước lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè (giải quyết cho khoảng 1 triệu dân) phải đầu tư đến 199 triệu USD.

Ngoài nguyên nhân khách quan nêu trên, còn có nguyên nhân chủ quan từ sự quan tâm chưa đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, điều hành; kiểm tra đôn đốc của các cơ quan, đơn vị liên quan; sự phối hợp giữa các cơ quan của thành phố trong triển khai thực hiện từng chương trình, công trình cụ thể chưa tốt, chưa quan tâm đúng mức đến tính chất ưu tiên của từng chương trình, công trình trọng điểm.

Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện các biện pháp để huy động vốn cho đầu tư, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách huy động lực lượng cán bộ khoa học – kỹ thuật, các chuyên gia trong nước và ngoài nước để nghiên cứu các giải pháp về phát triển giao thông đô thị, chống ùn tắc giao thông.

Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh  lần thứ VIII, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu khẳng định: “Tôi ủng hộ đề nghị của thành phố Hồ Chí Minh làm thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở thành phố”. Liệu khi xây dựng chính quyền đô thị, những bất cập về quản lý đô thị hiện nay sẽ được giải quyết?

Nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất là quản lý đô thị ảnh 2

Kênh Nhiêu Lộc. Ảnh: T.L

- Nhiệm vụ trọng tâm, cần đặt ưu tiên của chính quyền đô thị, trong nền kinh tế nhiều thành phần, vận  hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là quản lý đô thị. Nếu nhiệm vụ này làm tốt thì chúng ta vừa quản lý tốt đô thị, vừa thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để sớm nghiên cứu trình cấp thẩm quyền về chủ trương thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trước mắt, thành phố sẽ lập ban nghiên cứu, mời các cán bộ, chuyên gia có liên quan và giao Viện Kinh tế thành phố chủ trì.

Chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào mô hình thí điểm chính quyền đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc hình thành chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện để thành phố phát huy hết những lợi thế với tất cả các điều kiện thuận lợi trong vai trò, vị trí và trách nhiệm vì cả nước, huy động hết nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài để hội nhập và tăng tốc phát triển.

Hình thành chính quyền đô thị sẽ tạo điều kiện để thành phố làm tốt hơn công tác quản lý và chăm lo các dịch vụ phục vụ nhân dân như xây dựng, kiến trúc, điện, nước, nhà ở, các vấn đề phúc lợi xã hội và việc làm cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái,… Thước đo trong công tác quản lý Nhà nước của chính quyền đô thị là chất lượng cuộc sống của người dân được tăng lên và an dân.

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng của chính quyền đô thị là bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo môi trường, bao gồm cả môi trường sống, môi trường không khí, môi trường nước, cảnh quan thiên nhiên,… Do vậy, điều quan trọng của chính quyền đô thị là làm sao xây dựng được cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đáp ứng được yêu cầu phát triển từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất, để phục vụ tốt nhất cuộc sống của người dân, kể cả vật chất lẫn văn hóa.

Ở trên ông nói: quản lý đô thị là việc khó khăn, phức tạp nhất hiện nay. Chắc chắn trên cương vị Chủ tịch UBND TPHCM, ông có rất nhiều suy tư, trăn trở. Nếu có thể, xin ông chia sẻ một vài suy nghĩ của mình với nhân dân thành phố?

- Tôi muốn nói một điều: Chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mỗi chúng ta đều phải tăng tốc mới đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và thành phố. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ làm hết sức mình để có thể mỗi ngày, đi trên đường phố, người dân được thở không khí trong sạch hơn, ít khói bụi hơn, ít kẹt xe hơn, sức khỏe được chăm sóc tốt hơn, học hành, việc làm tốt hơn, hưởng thụ văn hóa tốt hơn,… Nói chung là chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn. Đấy là niềm hạnh phúc chúng ta đang cố gắng để đạt được.

- Xin cám ơn Chủ tịch.

HỒNG QUÂN-TRẦN TOÀN
(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục