Không chỉ do lưu lượng người đi lại quá nhiều mà việc bố trí cảng biển, sân bay nằm ngay trên các tuyến đường cửa ngõ cũng làm gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông ở đây. Đã vậy, một phần đường cửa ngõ còn bị thu hẹp lại bởi ô tô dừng, đậu…
Thiếu hệ thống đường chuyên dụng
Cách đây chưa lâu, trong hội thảo khoa học về quản lý quy hoạch - kiến trúc TPHCM do UBND TPHCM và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đánh giá một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là “đường dẫn vào sân bay là đường phố chứ không phải là đường cao tốc, đường trên cao hay đường tàu điện ngầm dưới lòng đất như bất cứ sân bay lớn nào trên thế giới”.
“Với cách phân bố tập trung các nút phát triển lớn như vậy ở giữa lòng thành phố, làm sao có thể cải thiện tốc độ vận động để thành phố cất cánh lên?”, Tiến sĩ Trần Đình Thiên đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhận xét, về nguyên tắc đường (mặt) phố chỉ thích hợp cho các hoạt động giao thông bình thường. Nếu có sự xuất hiện của các trung tâm sản xuất, dịch vụ lớn như cảng biển, sân bay tầm cỡ như sân bay Tân Sơn Nhất và cụm cảng biển Cát Lái thì phải có các tuyến đường riêng, được thiết kế chuyên biệt cho hoạt động giao thông ở đây.
“Với sân bay có thể là đường cao tốc, đường trên cao, đường xe điện ngầm còn với cảng biển, tốt nhất phải có tuyến đường sắt kết nối. Xây dựng được tuyến đường này không những giúp tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa ra vào cảng mà còn góp phần làm giảm tai nạn giao thông. Khu vực quanh cảng Cát Lái trở thành một trong những điểm nóng về an toàn giao thông vì để xe container lưu thông cùng với các loại phương tiện giao thông khác, nhất là xe gắn máy 2 bánh”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa nói.
Ô tô từ sân bay Tân Sơn Nhất nối đuôi nhau nhích từng chút đi vào đường Trường Sơn (Ảnh: CAO THĂNG)
Thực ra, theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/1/2007 về phê duyệt quy hoạch hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký, TPHCM sẽ bao gồm 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau, giữ vai trò giải quyết giao thông ở các trục có lưu lượng giao thông lớn. Trong đó có 2 tuyến kết nối trực tiếp với nhau, đảm trách việc giảm ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Đó là tuyến số 1 có lộ trình từ nút giao Cộng Hòa đi trên đường Cộng Hòa qua đường Bùi Thị Xuân chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè rồi tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh và tuyến số 4 có lộ trình từ nút giao thông Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn sang đường Vườn Lài qua đường Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Điện Biên Phủ rồi kết nối vào tuyến số 1. Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, vì nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu là chưa có kinh phí nên chưa thể triển khai xây dựng các tuyến đường trên cao.
“Cũng đã có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề được xây dựng các tuyến đường này theo hình thức BOT hoặc đổi đất lấy hạ tầng nhưng phương án tài chính họ đưa ra chưa ổn nên Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành liên quan chưa chốt lại được để báo cáo thành phố”, một cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TPHCM chia sẻ.
Hiện Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang tổ chức phân luồng, điều tiết lại giao thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hiệu quả còn phải chờ nhưng theo nhiều chuyên gia về giao thông, khả năng cải thiện căn cơ tình trạng ùn tắc giao thông nơi đây không cao bởi nguyên nhân lớn nhất: loại đường phù hợp, không có.
Ghi nhận những nỗ lực của TPHCM trong việc xây thêm cầu vượt, tổ chức lại giao thông cho khu vực cảng Cát Lái nhưng nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn về hiệu quả lâu dài của các giải pháp này. Nhất là khi ngay cả trong đồ án quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, chưa có đường chuyên dụng kết nối đến khu cảng này.
Xe dừng, đậu lấn hết đường
Chuyện xảy ra từ tháng 12-2015 nhưng anh C.Đ.K. (ngụ quận Phú Nhuận) vẫn không quên được “trận” kẹt xe kéo dài gần 10 giờ kinh hoàng trên xa lộ Hà Nội. Anh C.Đ.K. nhớ lại: “hàng ngàn người phải hít khói bụi, hàng trăm phương tiện bị phơi nắng. Gia đình tôi “cố thủ” trong xe hơi, may mắn có máy lạnh nhưng nhìn ra ngoài thấy mấy em nhỏ mệt mỏi ngồi trên xe máy, thương lắm”. Nguyên nhân của “trận” kẹt xe mà anh C.Đ.K. nói tới là do cuối năm, các doanh nghiệp vận tải tranh thủ vào bốc dỡ hàng hóa tại cảng Phước Long, Transimex, Cát Lái… Trong khi chưa tới lượt vào cảng, các xe buộc phải dừng, đậu trên xa lộ Hà Nội để chờ. Dòng xe tải, container dừng, chờ “chen chân” với dòng xe của người dân và ngay cả với dòng xe tải, xe container đã lấy xong hàng, chạy trở ra xa lộ Hà Nội… đã làm cho giao thông nơi đây kẹt cứng.
Phó Chủ tịch UBND quận 2 Huỳnh Thanh Khiết cho biết, trong năm 2016, mặc dù ngành chức năng của TPHCM đã có nhiều nỗ lực nhưng tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông vẫn tăng đột biến trong tháng 5-2016, với thời gian ùn tắc kéo dài từ 1 - 2 giờ. Nguyên nhân của tình trạng này là do mặt đường nhỏ, hẹp trong khi lượng xe container, xe hàng tập trung về cảng Cát Lái ngày càng tăng cao. Thời gian làm thủ tục trong cảng chậm, dẫn đến tình trạng hàng trăm phương tiện xếp hàng dài trên đường để chờ tới lượt.
Tại khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất cũng có nhiều nút thắt giao thông do đường (đã nhỏ) còn bị chiếm dụng làm nơi dừng, đậu xe. Một chuyên gia, nguyên là cán bộ giao thông của Sở Giao thông Vận tải TPHCM xin được dấu tên cho hay, đó là nút giao thông trước cổng Bệnh viện Đại học Y Dược (đối diện Công viên Chiến Thắng - đường đi vào sân bay Tân Sơn Nhất). Tại đây, thường xuyên có nhiều taxi và ô tô đưa đón bệnh nhân dừng, đậu, chiếm gần hết mặt đường. Đã vậy, đường vào nút từ phía đường Hoàng Văn Thụ chỉ có 2 làn đường, quá chật so với nhu cầu. Tình trạng dừng, đậu xe trước khu vực cao ốc thương mại trên đường Trường Sơn ngay ngã rẽ vào sân bay Tân Sơn Nhất, trong giờ cao điểm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng giao thông tại đây.
Giải pháp cho tình trạng này, theo nhiều chuyên gia: ngành chức năng phải cấm dừng, đậu xe trên đường. Việc dừng, đậu xe phải được bố trí, sắp xếp hợp lý bằng những bãi đậu xe. Diện tích mặt đường của TPHCM đã thiếu so với nhu cầu, giờ lại bị chiếm dụng làm nơi dừng, đậu xe. Ùn tắc giao thông vì thế, là điều khó tránh khỏi, nhất là trên các tuyến đường huyết mạnh đi vào TPHCM.
NGUYỄN KHOA - QUỐC HÙNG