(SGGP).- Ngày 6-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết đánh giá 3 năm thực hiện Luật BHYT và định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, sau khi Luật BHYT đi vào cuộc sống, số người tham gia BHYT đã tăng nhanh, tính đến tháng 10-2012, cả nước đã có trên 57 triệu người tham gia BHYT, tăng 8 triệu người so với năm 2010. Toàn quốc có hơn 2.453 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT.
Tuy nhiên, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, quá trình thực hiện Luật BHYT cũng đang bộc lộ nhiều bất cập và vướng mắc. Đặc biệt với quy định người bệnh BHYT phải thực hiện cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh tùy theo nhóm đối tượng đã tác động đáng kể tới người bệnh, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính… phải chịu gánh nặng lớn chi phí khám chữa bệnh mỗi khi ốm đau bệnh tật. T
ổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng cho biết, việc mở rộng các đối tượng tham gia BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn và hiện vẫn còn tới 35% dân số chưa được BHYT bao phủ. Cùng với đó, người bệnh có BHYT vẫn phải chịu cảnh quá tải, chờ đợi lâu ở nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Chất lượng thuốc chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật y tế còn nhiều hạn chế...
Năm 2012, ước tổng thu của Quỹ BHYT là 39.607 tỷ đồng, tổng chi ước là 37.506 tỷ đồng. Dự kiến năm 2013, Quỹ BHYT sẽ bị mất cân đối thu chi trên 10.000 tỷ đồng do sự gia tăng chi phí y tế và viện phí.
Kh.Nguyễn